Bất động sản Tây Hà Nội khởi sắc từ đòn bẩy hạ tầng

Hạ tầng tiện ích hoàn thiện nhanh chóng cùng sự quy tụ của hàng loạt dự án tỷ đô đưa khu vực phía Tây Hà Nội vươn mình phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm hành chính, thương mại mới nổi của Thủ đô...

SỰ KHỞI SẮC CỦA DIỆN MẠO ĐÔ THỊ

Hạ tầng giao thông vẫn được ví như “ngòi nổ” kích hoạt sự phát triển của một khu vực. Bất động sản khu Tây Hà Nội cũng không phải ngoại lệ. Khoảng 10 năm trở lại đây, phía Tây Hà Nội ghi nhận sự thay da đổi thịt mạnh mẽ về hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội.

Với mạng lưới hạ tầng siêu kết nối, rút ngắn khoảng cách di chuyển vào nội đô, Tây Hà Nội nhanh chóng tạo nên lực hút làn sóng dịch chuyển của các “ông lớn” bất động sản như Vingroup, Geleximco, Nam Cường, Vinaconex…

Thực tế này góp phần to lớn trong công cuộc kiến tạo nên chuỗi đô thị hiện đại, tiện ích như: Vinhomes Smart City, Vinhomes Green Bay, Khu đô thị Dương Nội, Khu đô thị mới Phùng Khoang, Khu đô thị Bắc An Khánh… đưa khu phía Tây Hà Nội trở thành một trung tâm mới sầm uất, đáng sống bậc nhất Thủ đô.

Đặc biệt, các dự án của Tập đoàn Nam Cường thuộc Khu đô thị Dương Nội như Anland Complex, Anland Premium, An Vượng Villa, An Khang Villa… thời điểm 2018 đã tạo nên sức hút lớn với các nhà đầu tư. Ngoài vị trí đắc địa, các sản phẩm của chủ đầu tư này còn có cơ sở vật chất vượt trội, pháp lý hoàn thiện, hạ tầng đồng bộ hơn so với các dự án cùng phân khúc, cùng khu vực.

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ dịch chuyển từ mô hình đơn tâm sang đa trung tâm (đa cực) theo xu hướng chung của các thành phố lớn trên thế giới. Trong đó, khu Tây được định hướng trở thành trung tâm hành chính - kinh tế mới hiện đại, hội nhập.

Với điểm tựa này, giao thông được ưu tiên đầu tư mạnh mẽ, minh chứng là các tuyến đường hiện hữu như đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3 và 3.5, đường Lê Trọng Tấn, Nguyễn Xiển - Xa La, trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, Lê Quang Đạo mở rộng, đường Trung Văn nối Mễ Trì… Đặc biệt, dự án hầm chui Lê Văn Lương - Tố Hữu với tổng mức đầu tư 700 tỷ đã thông xe vào đầu tháng 10/2022, giảm tải đáng kể cho các tuyến đường lân cận.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông công cộng hiện đại bậc nhất gồm đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, tuyến buýt nhanh BRT, quy hoạch “tam giác vàng” tuyến Metro số 5, 6, 7 đã tạo thành chuỗi giao thông liên hoàn kết nối toàn bộ khu Tây tới các khu vực.

Sau khi Trung tâm Hội Nghị Quốc gia và Khu liên hợp Thể thao Quốc gia đi vào hoạt động không lâu, trụ sở các bộ, ngành cũng dần “Tây tiến” như Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Ngoại Giao… kéo theo làn sóng dịch chuyển về phía Tây thành phố của một lượng lớn cán bộ công chức nhà nước, chuyên gia nước ngoài, lao động chất lượng cao,… làm gia tăng nhu cầu nhà ở, bất động sản tại khu vực này. Đây chính là cú hích cho bất động sản phía Tây tăng tốc sau đó.

Về hạ tầng xã hội, chỉ trong một thời gian ngắn, gần 1.000 điểm trường học, bệnh viện tên tuổi, hiện đại liên tục mọc lên, trong bán kính 5-7km quanh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nâng tiện ích khu phía Tây lên một tầm cao mới.

BẤT ĐỘNG SẢN KHU TÂY “CẤT CÁNH”

Theo định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2025, hơn 332 nghìn tỉ đồng sẽ được rót vào 460 dự án giao thông trên toàn thành phố Hà Nội. Nổi bật, cả 7 tuyến vành đai bao quanh Thủ đô đều có hợp phần chạy qua khu vực phía Tây. Đây chính là bảo chứng cho tiềm năng tăng giá của bất động sản khu vực này trong tương lai.

Nguồn: VnEconomy.