Dự báo xu hướng phát triển của ngành bất động sản năm 2024

Tái cấu trúc nguồn vốn, M&A dự án và tập trung vào phân khúc trung cấp dự báo sẽ là những xu hướng chính của ngành bất động sản trong năm 2024.

Trong báo cáo triển vọng mới đây, CTCP Chứng khoán MB (MBS) dự báo phân khúc bất động sản trung cấp sẽ là điểm sáng phục hồi trong năm 2024 khi những tín hiệu tích cực đã xuất hiện trong nửa cuối 2023. Việc thiếu hụt nguồn cung phân khúc giá phải chăng và lãi suất về mức thấp sẽ kích thích nhu cầu tại phân khúc này nhờ nhu cầu ở thực lớn.

Đơn vị này cũng dự báo hoạt động tái cấu trúc nguồn vốn và M&A dự án bất động sản sẽ sôi động trong năm 2024. Theo đó, để vượt qua khó khăn về tiếp cận vốn vay ngân hàng, một số doanh nghiệp niêm yết như CEO Group, Novaland, Đất Xanh, Phát Đạt, Địa ốc Hoàng Quân đã lên kế hoạch huy động vốn trên sàn.

Nhóm phân tích cho rằng đây cũng sẽ là xu hướng huy động vốn của các công ty bất động sản trong năm 2024 vì trong bối cảnh nợ xấu tăng mạnh, các ngân hàng sẽ thận trọng hơn trong quá trình cho vay. Hơn nữa, sang năm 2024, triển vọng hồi phục của thị trường chứng khóan trở nên rõ nét với kỳ vọng các Ngân hàng Trung ương thế giới hạ lãi suất, phát hành cổ phiếu tiếp tục là phương thức huy động vốn chiến lược của một số doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, MBS kỳ vọng hoạt động M&A các dự án bất động sản cũng sẽ trở nên sôi động trong năm sau. Nguyên nhân là bởi sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản đang yếu đi, do đó việc bán dự án là cần thiết để có thể duy trì hoạt động và phát triển. 

Lãi suất điều hành của Mỹ dự báo giảm 4 lần về mức 4,25% trong năm 2024. Điều này dự báo sẽ củng cố nguồn tín dụng cho các tổ chức nước ngoài muốn mua lại các dự án bất động sản ở Việt Nam. Ngoài ra, lãi suất phi rủi ro ở thị trường quốc tế thấp hơn cũng sẽ làm tăng định giá của các dự án bất động sản Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế, từ đó có thể khiến cung cầu gặp nhau và hoạt động M&A sẽ "nóng" hơn.

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, hoạt động M&A và kêu gọi đầu tư từ các quỹ đầu tư đang giúp các chủ đầu tư tìm ra lối thoát cho các dự án chậm tiến độ do thiếu vốn.

Các chuyên gia Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cũng đánh giá, hoạt động M&A vẫn duy trì được sự quan tâm. Một số chủ đầu tư thay vì nhu cầu chuyển nhượng toàn bộ dự án đã cố gắng theo đuổi bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư cùng góp vốn thực hiện dự án.

Nhiều nhà đầu tư ngoại cũng đã bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản tại Việt Nam theo hình thức mua lại cổ phần. Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia,... Quy mô vốn cho mỗi thương vụ khoảng từ 20 - 50 triệu USD. Nhóm này thường ưu tiên dự án pháp lý sạch, có tiềm năng trong tương lai, vị trí đẹp và giá bán giảm 10 - 20%.

Theo VARs, nhà ở và bất động sản công nghiệp vẫn là hai phân khúc thu hút nhiều sự quan tâm và tìm kiếm của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, vướng mắc về pháp lý là rào cản khiến các thương vụ bị “kìm chân”, khiến nhà đầu tư ngoại không có nhiều cơ hội chọn lựa, làm hoạt động M&A phát triển không tương xứng với tiềm năng.

“Thị trường địa ốc khó ghi nhận sự thay đổi đột biến nhưng sẽ là bước đệm cho sự chuyển mình vào năm 2024. Chuỗi ngày khó khăn và những nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong thời gian vừa qua đều nhằm phát triển thị trường theo hướng minh bạch và lành mạnh hơn. Đây sẽ là tiền đề quan trong để các hoạt động khác nói chung và hoạt động M&A có điều kiện thuận lợi để có thể đi đến các bước chốt cuối cùng”, chuyên gia VARs nhận định.

Nguồn: Vietnambiz.