Các doanh nghiệp đánh giá việc Chính phủ ban hành nghị quyết 33 đã mang lại nhiều 'điểm sáng' giúp gỡ khó thị trường bất động sản song muốn bứt tốc thực thi.
Các doanh nghiệp kỳ vọng các giải pháp của Chính phủ sẽ giúp thị trường bất động sản khởi sắc - Ảnh: NGỌC HIỂN
Với một loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thông qua nghị quyết số 33 vừa được ban hành, các doanh nghiệp kỳ vọng đây là cú hích để vực dậy thị trường bất động sản, song cũng mong muốn có những giải pháp quyết liệt hơn, thực thi nhanh chóng các giải pháp này.
Cần thêm gói hỗ trợ "đủ đô" cho người mua nhà ở xã hội
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 12-3, ông Lê Hữu Nghĩa, giám đốc Công ty TNHH thương mại - xây dựng Lê, cho biết nghị quyết số 33 của Chính phủ đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề của thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy các địa phương, bộ ngành hành động thông qua việc giao các thời hạn để các cơ quan đưa ra các giải pháp cụ thể.
Riêng đối với các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, ông Nghĩa cho biết nghị quyết đã "chốt" nội dung các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ giảm 1,5 - 2% lãi suất cho những người vay mua nhà thông qua gói 120.000 tỉ đồng, trong đó có những người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Theo ông Nghĩa, đây là điểm sáng về tín dụng cho nhu cầu ở thực, song cũng cần nhìn nhận thực tế đây là gói mang tính tự nguyện của các ngân hàng thương mại.
Với mức lãi suất cho vay đối với bất động sản hiện ở mức cao, lên đến 14% trong khi lãi suất huy động tiền gửi 9%, việc giảm lãi suất trên cũng chỉ một phần nào hỗ trợ người mua nhà, còn tính kỹ ra đây vẫn là mức lãi suất cao.
Do đó, ông Nghĩa cho rằng để hỗ trợ người mua nhà ở xã hội, Chính phủ cần đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết để cấp bù lãi suất, cho người mua nhà ở xã hội lẫn doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà này được hưởng mức lãi suất ưu đãi, khoảng 5% mỗi năm.
"Chính sách này mới giúp cho nhà ở xã hội phát triển nhanh, giúp người mua nhà sớm tiếp cận nhà ở xã hội, còn không sẽ khó đẩy mạnh tốc độ xây dựng nhà ở xã hội ở các địa phương", ông Nghĩa nói.
Tuy đánh giá cao những giải pháp của Chính phủ, song ông Nghĩa cho rằng thị trường bất động sản sẽ khó hồi phục nhanh, ít nhất là quý 3 năm sau, khi các luật liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản đã sửa ổn định.
Thị trường bất động sản tại TP.HCM gặp khó khăn khi cả số lượng dự án lẫn căn hộ chào bán thời gian qua rất nhỏ giọt - Ảnh: NGỌC HIỂN
Cần tăng tốc ban hành văn bản dưới luật trong lĩnh vực bất động sản
Trong khi đó, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng nghị quyết 33 đã đưa ra những chỉ đạo, giải pháp tháo gỡ cơ bản những vấn đề vướng mắc của thị trường bất động sản hiện tại.
Theo ông Đính, nghị quyết có những quan điểm mới như thu hút FDI trong việc phát triển bất động sản du lịch, xác định quan điểm nhà phải có người ở thay vì buông lỏng để chủ đầu tư chạy theo guồng quay của thị trường đầu tư, không hướng vào thị trường thực…
Bên cạnh đó, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị, trong đó có vấn đề là sớm đẩy nhanh việc xây dựng luật, tạo hành lang pháp lý phát triển bất động sản, đặc biệt xây dựng các chương trình phát triển nhà ở xã hội...
"Các quan điểm đã có rồi, vấn đề là cần tăng tốc ban hành các văn bản dưới luật. Không chờ sửa luật mà phải ban hành các nghị định, hướng dẫn gỡ ngay các điểm nghẽn khiến các địa phương không thể ký, duyệt kéo theo khối lượng lớn các dự án đang chực chờ gỡ vướng. Làm được điều này sẽ thể hiện tính quyết liệt của Chính phủ trong việc gỡ vướng bất động sản", ông Đính nói.
Ngoài ra, nghị quyết cũng đặt vấn đề đang nhức nhối hiện nay là các địa phương phải thể hiện trách nhiệm của mình, đẩy nhanh xử lý các dự án, cải thiện quy trình đầu tư, đẩy nhanh thủ tục các dự án phù hợp nhu cầu của người dân với kỳ vọng sẽ giúp người có nhu cầu sớm mua được nhà.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ.