Covid-19 tạo động lực cho nhà xưởng, văn phòng 4.0

Với nhiều lĩnh vực, Covid-19 có thể là tảng đá ngáng đường nhưng với không gian nhà xưởng, văn phòng xu hướng 4.0, nó là động lực để tăng tốc. 

Ở một buổi lễ khởi công ngắn gọn, ít người và tất cả đều đeo khẩu trang tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 3B (Đồng Nai) tuần trước, ông Đặng Trọng Đức, Phó Tổng giám đốc KTG, Giám đốc mảng Phát triển công nghiệp, nói về "Thế hệ nhà xưởng công nghệ 4.0". Theo ông đây là cả hệ sinh thái hình ảnh, tiện ích, dịch vụ và quản lý đều "4.0".

Bên cạnh các thiết kế tiện ích mới, chăm sóc khách hàng qua ứng dụng, tuân thủ tiêu chuẩn công trình xanh, ông Đức khá tâm đắc với giải pháp "nhà xưởng đi động" (VR Factory) dùng công nghệ thực tế ảo.

"Khi tương tác trên máy tính hoặc bằng kính thực tế ảo, khách hàng gần như có thể ở trong chính không gian tại nhà xưởng. Lúc này, khách hàng không thể bay đi đâu, không qua được biên giới vì Covid-19. Nhưng họ ngồi nhà mà vẫn đang trải nghiệm không gian nhà xưởng", ông Đức nói.

Ý tưởng của KTG khách hàng ở nước ngoài vẫn có thể tham quan nhà xưởng bằng công nghệ thực tế ảo thông qua kính VR hoặc máy tính. Ảnh: Pixabay

Ý tưởng của KTG là khách hàng ở nước ngoài vẫn có thể tham quan nhà xưởng bằng công nghệ thực tế ảo thông qua kính VR hoặc máy tính. Ảnh: Pixabay

Theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Dịch vụ tư vấn và Quản lý kinh doanh Khu công nghiệp của CBRE Việt Nam, một tập đoàn đa quốc gia đầu tư ra nước ngoài cần 12-15 tháng để ra quyết định. Và khi quyết định, nhà đầu tư cũng tính toán cách nhà xưởng mới đóng góp vào chuỗi cung ứng trong 2-3 năm tới.

Thị trường hiện tại có khó khăn nhưng theo ông Hiếu, tiếp tục đầu tư những giải pháp hiện đại, đúng nhu cầu vẫn là điều cần thiết để nắm bắt cơ hội, dù dịch bệnh đang diễn ra.

Cùng với nhà xưởng, các giải pháp văn phòng 4.0 đã được phát triển thời gian qua, nay có thêm động lực tăng tốc hoàn thiện, xúc tiến thương mại. Khi Covid-19 diễn ra, các giải pháp kiểm soát "không chạm" trở thành "mốt".

Trong buổi kết nối của Vườn ươm doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung (QTSC Incubator) tháng 3/2020, giải pháp đầu tiên là công nghệ nhận diện khuôn mặt (FaceID) ứng dụng vào chấm công. Công nghệ này được các giảng viên khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Văn Lang nghiên cứu, phát triển.

"Với tình hình Covid-19 hiện nay, việc chấm công bằng nhận diện gương mặt sẽ là giải pháp tốt và an toàn cho các công ty, xí nghiệp, nhà máy với số lượng nhân viên lớn", ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc QTSC Incubator nhận xét.

Trong một chia sẻ mới đây, bà Becky Võ, Giám đốc khu vực (Việt Nam, Campuchia, Myanmar), bộ phận Công nghệ Tòa nhà Bosch, nhận xét rằng các dự án tòa nhà thông minh tại Việt Nam đang được thí điểm ở các thành phố lớn, dự báo sự chuyển biến mạnh mẽ xu thế thành phố thông minh.

Theo chuyên gia này, giải pháp tòa nhà kết nối sẽ xoay quanh các yếu tố như: công nghệ "không chạm" trong quản lý ra vào; bãi đỗ xe thông minh; tối ưu hóa hoạt động kinh doanh bằng camera tích hợp giải pháp AI; Kiểm soát và sơ tán thông minh, hiệu quả.

Năm 2019, Vinperl từng ứng dụng công nghệ nhận diện gương mặt tại các khách sạn. Ảnh: Vinperl

Năm 2019, Vinpearl từng ứng dụng công nghệ nhận diện gương mặt tại các khách sạn. Ảnh: Vinpearl

Các giải pháp thang máy, thang cuốn ngày nay cũng "lên đời" thông minh. Schindler Việt Nam cho biết họ áp dụng công nghệ điện toán biên, kết hợp với các trung tâm dữ liệu đám mây để xử lý các tác vụ phức tạp như dữ liệu lớn và công nghệ máy học, tạo nên hệ sinh thái IoT cho thang máy và thang cuốn.

Công nghệ mới mở ra khả năng kiểm tra thang máy từ xa, cho phép khách hàng xem được trạng thái và lịch sử vận hành thông qua ứng dụng hoặc qua trình duyệt web. "Nhu cầu áp dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để đảm bảo vận hành liên tục, và khai thác giao thông hiệu quả nhất", ông Nguyễn Xuân Yên, Giám đốc Bảo trì Schindler Việt Nam, nói.

Cũng theo ông Yên, Covid-19 đặt ra nhiều câu hỏi về các biện pháp ứng phó, kế hoạch phòng chống rủi ro cho toàn xã hội. Ông tin rằng công nghệ có một vai trò quan trọng trong quá trình này.

Về ngành thang máy, phương tiện công cộng mà mọi người phải sử dụng, và cũng được xem là nơi cần được kiểm soát tránh lây nhiễm cộng đồng. "Công nghệ mới Schindler Ahead cho phép kiểm tra từ xa mà không cần cử kỹ sư đến trực tiếp tại tòa nhà. Gọi thang không cần chạm PORT technology sẽ tránh các tiếp xúc không cần thiết cho các vị trí công cộng", ông nói.

Bà Becky Võ thừa nhận, thực tế Việt Nam chỉ mới đang dừng lại ở giai đoạn "làm quen" với các dự án tòa nhà thông minh, do độ phát triển của thị trường vẫn chưa đủ "chín". Thêm vào đó, hầu hết dự án vẫn chưa sở hữu một nền tảng quản lý tích hợp và đồng bộ. Đồng thời, các dự án thông minh chỉ được thí điểm ở phân khúc cao cấp.

Tuy nhiên, Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới Thành phố Thông minh ASEAN (ASEAN Smart Cities Network) với 3 thành phố thí điểm là TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Do đó, đây chính là điều kiện cho những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đầu tư phát triển những giải pháp sáng tạo hơn.

Theo ông Đặng Trọng Đức, lúc này các nhà đầu tư, nhà thầu vẫn quyết tâm khởi động dự án mới cũng là giúp cho nền kinh tế không trì trệ. Còn ông Lê Trọng Hiếu nói: "Nhìn chung, thị trường sẽ có những 'ổ gà' khi đang di chuyển, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ dừng lại".

Nguồn: VnExpress.