Mặc dù đang chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhưng các chuyên gia cho rằng bất động sản (BĐS) vẫn là kênh đầu tư an toàn và mang lại lợi ích dài hạn.
Thị trường hồi phục vào cuối năm?
Theo báo cáo đánh giá về triển vọng thị trường BĐS khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CBRE, hầu hết các phân khúc sẽ bắt đầu hồi phục từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2021, nhưng tốc độ hồi phục của thị trường sẽ chậm hơn nền kinh tế nói chung. Theo đó, BĐS công nghiệp sẽ phục hồi nhanh chóng khỏi sự suy thoái kinh tế do dịch bệnh gây ra và yếu tố kích cầu đến từ sự phát triển của mảng thương mại điện tử.
Bất động sản là kênh đầu tư sinh lời dài hạn.
Những phân khúc khác cần nhiều thời gian hơn để thích nghi với xu hướng phát triển mới, bao gồm: Mặt bằng và toà nhà văn phòng sẽ cơ cấu lại để tăng tính linh hoạt trong việc đáp ứng các nhu cầu thuê đa dạng từ khách thuê; khách sạn đang chờ sự quay lại của nhóm khách du lịch theo đoàn; phân khúc bán lẻ phải thích nghi với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, những cửa hàng mua sắm truyền thống sẽ có ít khách lui tới hơn, nhưng lượng chi tiêu của khách cho một lần mua sắm sẽ cao hơn trước đây.
Chuyên gia tài chính BĐS Trần Quốc Việt cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS trong dịch Covid-19, Chính phủ đã thực hiện chính sách lãi suất ở mức thấp nhất nhằm giúp kích cầu cho thị trường BĐS. Trên thực tế, các chỉ số cung - cầu của thị trường trong thời gian gần đây cũng có sự chênh lệch tương đối lớn, đặc biệt là phân khúc sản phẩm giá thấp, nhà ở bình dân.
“Sự siết chặt về thủ tục pháp lý, giảm nguồn vốn vay ngân hàng giai đoạn trước dịch đã khiến cho các dự án bị dừng hoặc chậm triển khai, nguồn cung giảm sút; sau khi dịch Covid-19 xảy ra tình hình càng trở nên khó khăn hơn, ngay cả những dự án đủ pháp lý tiến độ triển khai cũng chậm. Nhưng theo đánh giá thì thị trường BĐS trong nước nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung sẽ bắt đầu phục hồi từ cuối năm nay cho đến hết năm 2021” - ông Trần Quốc Việt nhận định.
Kênh đầu tư sinh lời dài hạn
Theo Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính, về trung - dài hạn, BĐS vẫn là kênh đầu tư sinh lợi tốt nhất, an toàn và có dư địa lớn nhất. Về yếu tố sinh lợi thông qua giá trị, thị trường BĐS trong suốt nhiều năm qua, chưa có cuộc khủng hoảng nào mà BĐS giảm giá. Ngược lại, vẫn tăng đều, bình quân từ 5 - 7%/năm. Trong khi đó, giá mặt bằng các sản phẩm BĐS ở Việt Nam vẫn đang ở mức thấp, nên nhà đầu tư vẫn có khả năng sinh lời khi khai thác kinh doanh để gia tăng thêm lợi nhuận.
“BĐS là kênh đầu tư dài hạn, không phù hợp với những người có ít vốn, đặc biệt là trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay, nhưng nếu ít tiền và phải sử dụng đòn bẩy tài chính thì chưa nên tham gia đầu tư vào BĐS vì chúng ta chưa thể biết tình hình Covid đến khi nào được kiểm soát” - ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.
Các chuyên gia đều cho rằng, ưu tiên hàng đầu trong thời điểm này là tính pháp lý của thị trường BĐS cần được đẩy nhanh, thủ tục hành chính cấp phép dự án rườm rà đã gây cản trở cho sự phát triển, ảnh hưởng đến thị trường và tạo ra những hạn chế về nguồn cung trong khi nguồn cầu thị trường ngày càng lớn.
Ngoài ra, thiếu cơ sở hạ tầng cũng làm cản trở thị trường hồi phục, vì vậy cần sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương hoặc kết nối giữa các khu vực trong một tỉnh, TP sẽ hỗ trợ cho việc sử dụng hiệu quả và thành công vốn đầu tư.
Nguồn: Kinh tế & Đô thị.