Đề xuất làm sớm 2 tuyến đường trên cao ở TP HCM

Đường trên cao Số 1 và Số 5 tổng đầu tư gần 33.000 tỷ đồng được Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề xuất làm từ năm 2021 để giảm ùn tắc ở các cửa ngõ.

Đây là 2 trong số 55 dự án cấp bách vừa được Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề xuất UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2021, trình HĐND thành phố thông qua chủ trương kế hoạch trung hạn 2021 - 2025. Việc này nhằm giải quyết ùn tắc, kết nối vùng, thúc đẩy tiềm năng liên kết, phát triển giữa TP HCM và các tỉnh lân cận trong 5 năm tới.

Lộ trình tuyến Số 1 đi qua các khu vực trung tâm thành phố. Đồ họa: Thanh Huyền.

Lộ trình tuyến Số 1 đi qua các khu vực trung tâm thành phố. Đồ họa: Thanh Huyền.

Trong đó, tuyến Số 1 dài 9,5 km, 4 làn xe, từ nút giao Lăng Cha Cả chạy dọc theo đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long (Phú Nhuận) - giao với Điện Biên Phủ (Bình Thạnh). Tại đây, tuyến tách một nhánh đi lên, nhánh còn lại kéo dài theo đường Ngô Tất Tố và kết thúc trước cầu Phú An (phường 22, Bình Thạnh), gần Metro Số 1. Mức đầu tư của tuyến khoảng 17.500 tỷ đồng.

Từ năm 2016, tuyến đường này được thành phố dự tính đầu tư, xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), khởi công năm 2017 và hoàn thành sau 3 năm, nhưng chưa thực hiện được.

Tuyến Số 1 đi theo đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình sẽ giải tỏa ùn tắc ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Trần.

Tuyến Số 1 đi theo đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình sẽ giải tỏa ùn tắc ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Trần.

Tuyến Số 5 (giai đoạn 1 từ Trạm 2 đi theo quốc lộ 1 đến An Sương) dài khoảng 21,5 km, mức đầu tư gần 15.500 tỷ đồng.

Hai dự án này đã được đưa vào danh mục lập đề xuất chủ trương đầu tư, giải quyết tình trạng ùn tắc ở các tuyến đường nội thành, nhất là cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất và tuyến quốc lộ 1 - đường vành đai 2 TP HCM.

Bên cạnh dự án đường trên cao, một loạt dự án khác cũng được Sở Giao thông Vận tải đề xuất như khép kín đường vành đai 2, xây cụm giao thông sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cầu Cần Giờ (nối Nhà Bè với Cần Giờ), đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, mở rộng các trục giao thông hướng tâm gồm quốc lộ 13 (kết nối với Bình Dương, Bình Phước, Tây nguyên), quốc lộ 1 và quốc lộ 50 (kết nối với các tỉnh miền Tây Nam bộ)...

Để đầu tư các dự án này, Sở Giao thông Vận tải thành phố đề xuất cân đối từ ngân sách TP HCM khoảng 81.750 tỷ đồng và 68.613 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa qua hình thức đối tác công tư và nguồn vốn khác; trước mắt trong năm 2021 cần gần 32.900 tỷ đồng.

Ngoài tuyến Số 1 và 5, thành phố còn có 3 dự án đường trên cao khác, gồm:

- Tuyến Số 2 dài gần 12 km, điểm đầu giao với tuyến số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả - Bùi Thị Xuân - cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - kéo dài dọc công viên Đầm Sen - rạch Bầu Trâu - Hương Lộ 2 kết thúc tại điểm giao quốc lộ 1.

- Tuyến Số 3 dài hơn 8 km, điểm đầu giao với tuyến số 2 tại đường Thành Thái (quận 10) - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - rạch Ông Lớn - Nguyễn Văn Linh.

- Tuyến Số 4 dài 7,3 km, bắt đầu từ quốc lộ 1 (giao với tuyến số 5) - Vườn Lài - vượt sông Vàm Thuật - Phan Chu Trinh rồi nối vào Điện Biên Phủ, giao với tuyến số 1.

5 tuyến có tổng chiều dài gần 71 km, được Chính phủ duyệt quy hoạch năm 2013, kỳ vọng sẽ kéo giảm ùn tắc ở TP HCM. Tuy nhiên, nhiều năm qua chưa có dự án nào thực hiện do thiếu vốn.