Dự án đường vành đai ở TP.HCM, Hà Nội: Khi nào 'hồi sinh'?

Một số dự án đường vành đai tại TP.HCM, Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng để cải thiện hạ tầng giao thông, kết nối các vùng, phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng những con đường này mãi nằm im, chưa hoàn thành.

Dự án đường vành đai ở TP.HCM, Hà Nội: Khi nào hồi sinh? - Ảnh 1.

Dự án đường vành đai 2 đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, TP Thủ Đức (TP.HCM) dài 2,7km đang phải tạm dừng suốt hai năm nay để chờ rà soát lại hợp đồng BT, điều chỉnh tổng mức đầu tư (ảnh chụp trưa 13-3) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại TP.HCM, riêng đường vành đai 2 từ khi được phê duyệt đầu tư đến nay đã 14 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Vậy các cơ quan đã có giải pháp gì để làm "sống lại" những đường vành đai này, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

4 đoạn chưa hoàn thành

Theo Sở GTVT TP.HCM, đường vành đai 2 đến nay còn khoảng 14km (chia làm 4 đoạn) chưa thể hoàn thành, khép kín. Cụ thể, dự án đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dài 3,5km có tổng mức đầu tư 9.047 tỉ đồng. Đoạn 2 từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,5km có tổng mức đầu tư 5.569 tỉ đồng. Đoạn 4 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh) dài 5,3km, rộng 60m, có tổng mức đầu tư 9.240 tỉ đồng.

Còn với dự án đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (TP Thủ Đức) dài 2,7km, rộng 67m, đã thi công vào cuối tháng 12-2017. Đến nay, công trình đã thi công đạt 50% nhưng đang phải tạm dừng suốt 2 năm nay để chờ rà soát lại hợp đồng BT, điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Theo ghi nhận, đến thời điểm này tại công trường dự án đoạn 3 vẫn chưa có dấu hiệu thi công trở lại. Nhà đầu tư dự án này là Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái cho hay sẽ tổ chức thi công trở lại khi đơn vị này và TP.HCM ký xong phụ lục hợp đồng để tiến hành thanh toán quỹ đất.

Trước tình hình trên, mới đây Sở GTVT TP đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành giải quyết các vướng mắc, khó khăn để sớm tiếp tục triển khai thi công hoàn thiện đối với dự án đoạn 3 đường vành đai 2. Trong đó, đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường và Sở Tài chính TP rà soát quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư.

Một cán bộ thuộc Sở GTVT TP phân tích hiện khu vực TP Thủ Đức có lưu lượng xe container rất lớn và chủ yếu lưu thông qua hai hướng xa lộ Hà Nội - Công nghệ cao - vành đai 2 - cảng Cát Lái và xa lộ Hà Nội - ngã ba Cát Lái - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống - cảng Cát Lái. Do đó, khu vực này thường xuyên kẹt xe, nhất là tại nút giao D1 - Công nghệ cao, ngã tư Bình Thái, ngã tư MK, ngã ba Cát Lái, nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy.

"Với lượng xe như vậy, việc đầu tư xây dựng 2 đoạn tuyến vành đai 2 trên khu vực TP Thủ Đức sẽ phát huy hiệu quả việc vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng ở khu vực này, tránh gây lãng phí cho xã hội và mất an toàn giao thông cho khu vực. Mặt khác, áp lực giao thông tại tuyến Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội là rất lớn nên sau khi tuyến vành đai 2 hình thành sẽ giải quyết được tình trạng trên" - cán bộ này lý giải.

Dự án đường vành đai ở TP.HCM, Hà Nội: Khi nào hồi sinh? - Ảnh 2.

Nhiều dự án đường vành đai ở các đô thị lớn chậm triển khai do thiếu vốn, vướng đền bù... Trong ảnh: dự án đường vành đai 2 của TP.HCM tạm dừng thi công để rà soát lại hợp đồng BT - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Năm nay ráng hoàn thành 6km

Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho rằng vành đai 2 là tuyến đường có vai trò rất quan trọng đối với mạng lưới giao thông TP. Bởi lẽ tuyến đường này giúp giảm một lượng lớn xe đi xuyên tâm qua TP, giải quyết ùn tắc giao thông nội ô TP.

Nói về giải pháp sắp tới, ông Phan Công Bằng - phó giám đốc Sở GTVT TP - cho biết trong năm 2021, các đơn vị sẽ chú trọng tháo gỡ các vấn đề về vốn, mặt bằng sớm hoàn thành các công trình trọng điểm. Trong đó, chú trọng khép kín đường vành đai 2, nút giao thông Mỹ Thủy, các tuyến kết nối hạ tầng cửa ngõ phía đông TP.

Trao đổi thêm, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP - cho hay đường vành đai 2 nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư trong năm nay, nhất là 2 đoạn dài 6km trên địa bàn TP Thủ Đức giúp giảm áp lực giao thông nội thành. 2 đoạn ưu tiên này gồm: đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội tại nút giao Bình Thái, vốn đầu tư hơn 9.000 tỉ đồng và đoạn 2 từ nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,5km, tổng đầu tư gần 5.570 tỉ đồng.

"Tuyến vành đai 2 giúp khai thác hiệu quả vận tải vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng ở khu vực phía đông TP, tránh gây lãng phí cho xã hội và mất an toàn giao thông cho khu vực. Mặt khác, áp lực giao thông tại tuyến Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội là rất lớn nên sau khi tuyến vành đai 2 hình thành sẽ giải quyết được tình trạng trên" - ông Phúc nói.

Dự án đường vành đai ở TP.HCM, Hà Nội: Khi nào hồi sinh? - Ảnh 3.

Hà Nội, TP.HCM đều chậm

Theo đánh giá của Bộ GTVT, tiến độ đầu tư đường vành đai đô thị của Hà Nội và TP.HCM đều chậm. Nguyên nhân chủ yếu do khả năng huy động nguồn lực của địa phương còn khó khăn trong khi tổng mức đầu tư các dự án lớn, nguồn lực khai thác quỹ đất ngày càng khó khăn, điều kiện thủ tục đầu tư dự án theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng phức tạp, không khả thi với Hà Nội, TP.HCM.

Nguyên nhân thứ hai là nhiều địa phương chưa chủ động, chưa quan tâm huy động nguồn lực để đầu tư. Do đó đến nay vẫn chưa triển khai lập chủ trương đầu tư, đề xuất dự án làm cơ sở xác định, huy động nguồn lực đầu tư. Và thứ ba là các tuyến vành đai được quy hoạch với vai trò là tuyến giao thông kết nối vùng nhưng hiện chưa có cơ chế, chính sách đặc thù trong triển khai, huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư.

Đối với đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 Hà Nội, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng giao bộ này chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện. Với đường vành đai 4 vùng TP.HCM và vành đai 5 vùng Hà Nội, Bộ GTVT kiến nghị tiếp tục triển khai theo quy hoạch. Thủ tướng yêu cầu các địa phương liên quan rà soát quy mô, bố trí nguồn lực đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, trình Thủ tướng có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách trung ương để đầu tư.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ.