Đường trên cao ở TP HCM được đề xuất làm ra sao

Đường trên cao vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng nối Nam Sài Gòn với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được đề xuất thực hiện bằng cách ghép ba đoạn của 3 tuyến trên cao khác.

Tuyến đường do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) lên ý tưởng và đề xuất nghiên cứu, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Toàn tuyến dài 14,1 km, 4 làn xe, điểm đầu tại nút giao Cộng Hoà - Trường Chinh (quận Tân Bình) và kết thúc ở đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Trên lộ trình, tuyến chạy dọc các đường Cộng Hoà - Bùi Thị Xuân - hẻm 656 (đường Cách Mạng Tháng Tám) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn.

Hướng tuyến đường trên cao mà doanh nghiệp đề xuất đầu tư. Đồ họa: Thanh Nhàn.

Hướng tuyến đường trên cao mà doanh nghiệp đề xuất đầu tư. Đồ họa: Thanh Nhàn.

Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó tổng giám đốc CII cho biết, công trình được đơn vị nghiên cứu từ việc ghép lại các phân đoạn của 3 tuyến trên cao khác có trong quy hoạch, gồm số 1, 2 và 3. Trong đó sẽ chia làm 3 đoạn: Đoạn một trùng hướng tuyến trên cao số 1, từ nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh đi dọc đường Cộng Hòa đến vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình, dài 3,1 km). Đoạn hai theo hướng đường trên cao số 2, từ Lăng Cha Cả đến nút giao Bắc Hải - Thành Thái (quận 10, dài 2,6 km). Đoạn còn lại theo hướng tuyến trên cao số 3, từ nút giao Bắc Hải - Thành Thái đến đường Nguyễn Văn Linh (dài 8,4 km).

"Bản chất tuyến này gồm những tiểu dự án của các đường trên cao khác chứ không phải tuyến mới nên không làm thay đổi quy hoạch ở thành phố", bà Trâm nói và cho biết sau này, các phân đoạn còn lại khi hoàn thiện, cùng việc đầu tư tuyến số 4, 5 sẽ tạo mạng lưới giao thông trên cao hoàn chỉnh. Những phân đoạn khác của tuyến số 1, 2, và 3 khi được xây dựng, việc thu phí hoàn vốn giữa các nhà đầu tư cũng có thể tính theo km đã áp dụng, không ảnh hưởng khai thác dự án mà đơn vị đang đề xuất.

Trong tổng vốn công trình, lãnh đạo CII cho biết phần xây lắp dự tính 14.500 tỷ đồng và nhà đầu tư sẽ chi trả; phần còn lại hơn 15.400 tỷ đồng đền bù, giải phóng mặt bằng, đề xuất dùng vốn ngân sách. Dự án được kiến nghị triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). "Quá trình làm tuyến đường dự kiến ít nhất 5 năm và khi khai thác, việc thu phí sẽ hoàn toàn tự động không dừng. Xe không có thẻ thanh toán chạy ở đường phía dưới", bà Trâm nói.

Phối cảnh đường trên cao theo trục bắc nam khi hoàn thành. Ảnh: Công ty CII.

Phối cảnh đường trên cao theo trục bắc nam khi hoàn thành. Ảnh: Công ty CII.

Theo đơn vị đề xuất, công trình khi hoàn thành tạo nên trục giao thông đô thị bắc nam kết nối đường Vành đai 2, liên kết giữa khu vực nội và ngoại thành. Đặc biệt dự án sẽ giúp giảm ùn tắc xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất - nơi các tuyến Cộng Hoà, Trường Chinh... đang quá tải. Ngoài ra công trình cũng chỉnh trang đô thị khu vực nút giao Lăng Cha Cả (khoảng 4,9 ha, quận Tân Bình), cù lao Nguyễn Kiệu (khoảng 2,7 ha, quận 4).

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho hay, việc nghiên cứu đầu tư tuyến nói trên phù hợp định hướng phát triển hạ tầng giao thông tại thành phố. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn nên dự án này đầu tư theo hình thức BOT là phù hợp. Sở Giao thông Vận tải hiện kiến nghị việc kêu gọi đầu tư các dự án đường trên cao theo hai phương án: giao Sở phối hợp các bên liên quan làm công tác chuẩn bị (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án khả thi), đấu thầu chọn nhà đầu tư. Phương án khác là Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn để nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án theo hình thức PPP.

Đánh giá đề xuất trên, chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn nói nhà đầu tư lên ý tưởng nối các phân đoạn thuộc 3 đường trên cao khác thành một tuyến "là cách tiếp cận linh hoạt", không làm thay đổi quy hoạch ở thành phố. Tuyến này giúp đi lại giữa Nam Sài Gòn đến sân bay Tân Sơn Nhất và khu trung tâm thành phố thuận lợi. Đồng thời đường trên cao băng qua các nút giao sẽ hạn chế xung đột giao thông, giảm ùn tắc các tuyến hiện hữu.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng việc nghiên cứu dự án không nên "cục bộ" mà cần trong tổng thể các dự án khác tạo mạng lưới liên kết. Đặc biệt ở các tuyến quanh sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, trong khi ga T3 dự kiến khai thác vài năm tới nên nơi này càng đối mặt nguy cơ kẹt xe. Do đó điểm đầu dự án tại nút giao Cộng Hoà - Trường Chinh nếu không kết hợp những dự án giao thông xung quanh sân bay dễ xảy ra tình trạng ùn tắc bởi lượng xe ở đây tăng cao.

Kẹt xe trên Trường Chinh, đoạn gần mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa (quận Tân Bình) hồi tháng 4/2021. Ảnh: Quỳnh Trần.

Kẹt xe trên Trường Chinh, đoạn gần "mũi tàu" Trường Chinh - Cộng Hòa (quận Tân Bình) hồi tháng 4/2021. Ảnh: Quỳnh Trần.

TS Chu Công Minh, chuyên ngành cầu đường của Đại học Bách Khoa TP HCM cho hay, tuyến chạy qua khu nội đô nên cần hạn chế thấp nhất giải tỏa các khu dân cư đã ổn định, đồng thời tính toán chiều cao phù hợp, tránh khuất tầm nhìn các khu nhà cao tầng... "Tuyến cũng cần nghiên cứu nhiều điểm kết nối đường phía dưới, kết hợp phát triển giao thông công cộng", ông Minh góp ý.

TP HCM đã quy hoạch năm đường trên cao (1, 2, 3, 4 và 5) dài gần 71 km nhưng hiện chưa tuyến nào triển khai. Mới đây tuyến số 5 giai đoạn một (từ nút giao Trạm 2 đến ngã tư An Sương), tổng vốn hơn 15.400 tỷ đồng được doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu đầu tư hình thức BOT, dự kiến thực hiện từ nay đến năm 2025. Ngoài ra, đường trên cao số 1 dài 9,5 km (nút giao Lăng Cha Cả - đường Ngô Tất Tố), tổng vốn 17.500 tỷ đồng cũng được đề xuất ưu tiên thực hiện. Cuối năm 2007, CII cũng dự định đầu tư tuyến này nhưng kinh phí đền bù giải tỏa quá lớn (khoảng 10.000 tỷ đồng) nên đã dừng.

Ba tuyến còn lại cũng được dự tính đầu tư từ nay đến năm 2030, gồm: số 2, dài gần 12 km, điểm đầu giao tuyến số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả, điểm cuối tại quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh); tuyến số 3 dài 8 km, điểm đầu giao tuyến số 2 tại đường Thành Thái (quận 10), điểm cuối giao đường Nguyễn Văn Linh (quận 7); tuyến số 4 dài 7,3 km, điểm đầu giao tuyến số 5 trên quốc lộ 1, điểm cuối giao tuyến số 1 ở đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh).

Nguồn: VnExpress.