Loạt công trình trọng điểm của TP.HCM chạy nước rút

Năm 2023, TP.HCM không chỉ đạt mức độ giải ngân kỷ lục của các dự án giao thông mà còn chứng kiến nhiều công trình "siêu" trọng điểm về đích.

Mảnh ghép cuối cùng của tuyến metro số 1

Sáng qua 31.1, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cùng nhà thầu tổ chức buổi lễ ra quân đầu xuân Quý Mão 2023 và khởi công xây dựng tòa nhà văn phòng Công ty vận hành và khai thác (O&M) tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tại Depot Long Bình, TP.Thủ Đức. Trong tương lai, tòa nhà O&M là trụ sở của Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị số 1 TP.HCM có chức năng vận hành toàn tuyến metro số 1 khi đưa vào khai thác chính thức. Phó trưởng ban phụ trách MAUR Nguyễn Quốc Hiển cho biết tiến độ tổng thể của tuyến metro số 1 đã đạt 93,7%. MAUR, tất cả các nhà thầu và tư vấn của dự án hiện đang đẩy nhanh các hạng mục thi công xây dựng còn lại. Trong đó, tòa nhà O&M là mảnh ghép cuối hoàn thiện bức tranh tổng thể dự án tuyến metro số 1. Đây là hạng mục đánh dấu những bước cuối cùng trong công tác thi công tuyến metro số 1 vào cuối năm 2023 để chuyển giao sang công tác vận hành, khai thác trong năm 2024. Gói thầu này sẽ được hoàn thành trong 9 tháng để kịp cho quá trình thử nghiệm toàn bộ hệ thống trong năm nay.

Loạt công trình trọng điểm của TP.HCM chạy nước rút - Ảnh 1.

Tuyến metro số 1 đang chạy nước rút về đích trong năm 2023

"Công tác chạy thử toàn tuyến được dự kiến tiến hành trong năm 2023. Do đó, tất cả các bên cần tập trung, đồng lòng, dồn toàn bộ nguồn lực hoàn thành công tác thi công trong năm nay để triển khai công tác vận hành thử toàn hệ thống, làm tiền đề vận hành thương mại toàn tuyến", ông Nguyễn Quốc Hiển gửi thông điệp đầu năm.

Gửi lì xì đầu năm động viên từng công nhân, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chia sẻ ông rất vui mừng khi nhìn thấy những thành quả, nỗ lực mà toàn thể đội ngũ quản lý dự án cũng như các kỹ sư, công nhân đã đạt được trong năm 2022. Là xương sống của mạng lưới giao thông đô thị, tuyến metro số 1 được đánh giá là tham số có ý nghĩa quyết định trong việc tìm lời giải cho bài toán ùn tắc của TP.HCM. Bến xe miền Đông cũng đang chờ metro số 1 hoạt động để thoát cảnh "ế" khách. Mạng lưới xe buýt đã được tái cơ cấu, chỉ chờ kết nối metro để chấm dứt chuỗi tháng năm bị "cho ra rìa". Những đề án siêu phố đi bộ, chỉnh trang đô thị... cũng đang chờ mạng lưới metro thành hình. Metro số 1 về đích sẽ là cột mốc đánh dấu một bước tiến rất lớn đối với ngành giao thông TP. Gần 2 thập kỷ chật vật, từng người dân đang sinh sống ở TP nhộn nhịp bậc nhất cả nước đều mòn mỏi chờ ngày "giấc mơ metro" thành hiện thực. Có lẽ bởi vậy nên lãnh đạo TP.HCM cũng nhớ từng mốc hoàn thiện của công trình trọng điểm này.

"Khu vực trung tâm TP đã hoàn trả gần như toàn bộ đường Lê Lợi để tổ chức nhiều không gian vui chơi, giải trí cho người dân. Khu vực cầu Thủ Thiêm 2 - Ga Ba Son cũng đã hoàn thành, tạo điểm nhấn về kiến trúc cho vùng trung tâm cũng như toàn TP. Các nhà ga trên cao đã cơ bản hoàn thành, cả những công trình khu vực dưới cầu cạn hay hệ thống mảng xanh dọc Xa lộ Hà Nội cũng vậy. Đặc biệt, metro số 1 đã chạy thử đoạn trên cao từ ga Suối Tiên - ga Bình Thái theo chế độ bán tự động và tự động. Tôi hy vọng trong năm mới chủ đầu tư cùng tất cả nhà thầu, đơn vị tư vấn sẽ bắt nhịp ngay vào công việc, đẩy nhanh hơn nữa hoàn thành các hạng mục dự án đã được triển khai xây dựng để hoàn thiện đồng bộ toàn dự án trong năm nay", ông Bùi Xuân Cường kỳ vọng.

Dứt điểm loạt dự án đình trệ

Bên cạnh tuyến metro số 1, mở rộng đường Lương Định Của (TP.Thủ Đức) cũng là một trong những dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm nay. Dự án mở rộng đường Lương Định Của dài 2,5 km đoạn từ đường Mai Chí Thọ đến nút giao Trần Não, mở rộng từ 7 - 8 m lên 30 m, đáp ứng 6 làn xe, với vốn đầu tư 826 tỉ đồng, được khởi công từ năm 2015. Công trình này được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông theo sự phát triển của Khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu phía đông TP, tăng năng lực kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên thời gian qua tuyến đường này trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Công trình ban đầu dự kiến hoàn thành sau 2 năm, song vướng mặt bằng nên chậm tiến độ, tới năm 2020 mới đạt 60% rồi ngưng trệ đến giữa 2022 mới được tái thi công. 7 năm ì ạch thi công dang dở là 7 năm con đường nhếch nhác, xuống cấp trầm trọng, ổ voi ổ gà giăng bẫy khắp nơi. Một số đoạn tuyến đã được trải nhựa mở rộng, trong khi đoạn gần đường Trần Não công trường vẫn ngổn ngang, mặt đường nham nhở. Trời nắng thì bụi bặm, mưa thì ngập nước, người dân 2 bên đường khốn khổ trông chờ từng ngày dự án hoàn thành. Hiện nay, nhà thầu thi công đang tích cực hoàn thiện đoạn từ đường Trần Não đến đường Lưu Đình Lễ, dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng vào quý 1/2023 và hoàn thiện toàn tuyến vào cuối năm nay.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP: “2023 sẽ là năm đột phá của giao thông TP.HCM”.

Tương tự, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ cũng đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2023. Dự án hầm chui nút giao này khởi công tháng 4.2020 với tổng vốn giai đoạn 1 là 830 tỉ đồng nhằm giảm áp lực giao thông cửa ngõ phía nam TP.HCM. Toàn dự án hiện đạt hơn 35% khối lượng, riêng nhánh hầm theo hướng đi QL1 đã hoàn thành các hạng mục đường tạm, di dời cây xanh... và dự kiến đưa vào sử dụng cuối tháng 4 tới. Hồi tháng 10.2022, Sở GTVT TP đã ra quyết định thu hồi giấy phép và đình chỉ thi công dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (chủ đầu tư) thi công gây hư hỏng nặng mặt đường, gây mất an toàn giao thông. Ngay sau đó, chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu khẩn trương khắc phục, tái lập mặt đường bị hư hỏng và thi công trở lại, quyết tâm không để ảnh hưởng tới tiến độ dự án.

Nguồn: Báo Thanh niên.