Mô hình đô thị sân bay thúc đẩy tiềm năng bất động sản

Sân bay quy hoạch đồng bộ hạ tầng, tiện ích, cảnh quan thúc đẩy tăng trưởng đô thị, thu hút đầu tư, gia tăng giá trị bất động sản trong khu vực.

Theo nghiên cứu về sự phát triển của đô thị sân bay trên toàn thế giới, nhà nghiên cứu thương mại hàng không John Kasarda cho biết, trước đây, sân bay thường được xây dựng cách xa thành phố để tránh tắc nghẽn giao thông, tiếng ồn. Tuy nhiên, hiện nay, vai trò của thương mại đã khác, định hướng đi lại thay đổi, các cảng hàng không đã trở thành động lực cho sự phát triển đô thị và sức cạnh tranh của cộng đồng trong thế kỷ 21.

Sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ là động lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ là động lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Sân bay - động lực phát triển đa cực cho toàn vùng

Thực tế, nhiều sân bay quốc tế sau khi thành hình đã trở thành đầu mối kết nối giao thông, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, xuất khẩu, du lịch, kéo theo dân cư tới làm việc, sinh sống, tạo ra một vùng phát triển đô thị rộng lớn và nhu cầu nhà ở gia tăng.

Sân bay Amsterdam Schiphol của Hà Lan là ví dụ về sự thành công của một đất nước nhỏ nhưng là đầu mối trung chuyển hành khách và hàng hóa cỡ lớn - đứng thứ ba về thị phần ở châu Âu, thống kê năm 2016. Ngoài chức năng chính là sân bay, tại đây còn có dịch vụ bất động sản như nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, nhà hàng, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông, văn hóa, công nghiệp nhẹ, công nghệ hàng không và vũ trụ...

Trong khi đó sân bay Frankfurt - một trong những sân bay lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 2.300 ha, công suất 65 triệu hành khách hàng mỗi năm đã giúp Frankfurt thể hiện vị thế thủ đô tài chính châu Âu, trung tâm vận tải của Đức. Nơi đây còn được biết đến là thành phố của đầu tư, kinh doanh, thương mại với sự góp mặt của nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm và tài chính nổi tiếng và nhiều hội chợ giao thương quan trọng...

Một trong những điểm mấu chốt của "thành phố sân bay" là kết nối thuận lợi các loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường hàng không để việc vận chuyển con người và hàng hóa diễn ra nhanh chóng. Theo đó, như một yếu tố hiển nhiên, hạ tầng đô thị quanh sân bay được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.

Sân bay Long Thành thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực

Nằm trong top 16 sân bay được mong chờ nhất thế giới, sân bay quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư lên đến 16,3 tỷ USD, tầm nhìn phục vụ 100 triệu hành khách một năm và 5 triệu tấn hàng hóa. Đây là dự án trọng điểm quốc gia được kỳ vọng sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không thế giới.

Với cách tiếp cận lấy sân bay làm trung tâm, từ đó phát triển rộng ra toàn khu vực, TS. Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM nhận xét, sân bay Long Thành được thiết kế và phát triển với định hướng có một vùng kinh tế quanh sân bay theo mô hình thành công của các sân bay trên thế giới.

Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, xung quanh sân bay Long Thành sẽ được quy hoạch theo mô hình vệ tinh gồm các khu dân cư hiện hữu, khu tái định cư và các đô thị thông minh...

Để tăng tính kết nối với sân bay, hàng loạt công trình hạ tầng liên tiếp được nâng cấp, đầu tư mới như Hương lộ 2, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Mới đây, địa phương cũng đã đề xuất đầu tư hai tuyến đường kết nối sân bay Long Thành, gồm tuyến số 1 nối Quốc lộ 51 đến sân bay và tuyến số 2 nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây vào tuyến số 1.

Theo ước tính của đơn vị tư vấn, đóng góp trực tiếp của sân bay Long Thành giai đoạn một là gần 1% vào GDP chung của cả nước, đồng thời sẽ tạo ra 200.000 việc làm mới, kéo theo nhu cầu cư trú, phát triển nhà ở.

Nguồn: VnExpress.