Mua bán và sáp nhập - kênh tìm vốn hiệu quả

Trong bối cảnh tín dụng bất động sản (BĐS) hạn chế, thị trường vốn (trái phiếu và chứng khoán) gặp nhiều khó khăn, kênh mua bán và sáp nhập (M&A) đã trở thành thị trường huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp BĐS thời gian qua.

thi-truong-bds-1673936903.jpg

 Thị trường BĐS tương đối trầm lắng.

Thị trường M&A tại Việt Nam trong năm 2022 giảm mạnh so với năm trước (10 tháng đầu năm 2022 giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021) nhưng các thương vụ trong lĩnh vực BĐS vẫn được ghi nhận mức giá trị cao nhất trong 5 năm qua. Các thương vụ lớn có thể kể đến với sự “cầm trịch” của các doanh nghiệp trong nước như: vụ một công ty BĐS trong nước mua lại Capital Place - cao ốc văn phòng hạng A nằm ở trung tâm Hà Nội, trị giá 550 triệu USD; vụ M&A giữa Tập đoàn Novaland và Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên trị giá 1 tỷ USD… Bên cạnh đó, các thương vụ M&A đình đám có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài có thể kể đến trong năm 2022 là: quỹ đầu tư tư nhân của Mỹ là Warburg Pincus đã đầu tư 250 triệu USD vào khu nghỉ dưỡng Tropicana của Novaland; hai quỹ đầu tư VinaCapital và Dragon Capital thông báo đầu tư 103 triệu USD vào Hưng Thịnh Land…

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong năm 2023, khi tín dụng BĐS vẫn hạn chế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể xử lý ngay những vấn đề nội tại, thị trường chứng khoán vẫn chưa thể tăng mạnh thì M&A vẫn sẽ là kênh tìm vốn hiệu quả mà các doanh nghiệp BĐS sẽ hướng đến trong thời gian tới. Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của Tập đoàn CBRE Việt Nam, cho rằng, việc liên doanh, liên kết và hợp tác với đối tác nước ngoài là xu hướng mới của các doanh nghiệp BĐS trong nước, thay vì phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu. Cùng với đó, việc liên kết với các đối tác có nguồn lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm phát triển dự án sẽ giúp doanh nghiệp trong nước cải thiện năng lực để phát triển các dự án và thu hút nguồn khách hàng mới. Theo ông David Jackson, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ BĐS Colliers Việt Nam, hoạt động M&A sẽ đóng vai trò then chốt để “giải cứu” các nhà phát triển trong nước và cũng phù hợp với tâm lý đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào tiềm năng của thị trường BĐS Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, thị trường BĐS sẽ vẫn tương đối trầm lắng nhưng đây là cơ hội cho các nhà đầu tư có sẵn tiền mặt để mua lại các dự án hấp dẫn. TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Tập đoàn Savills Việt Nam, cũng đánh giá, năm 2023, nhu cầu vốn với các dự án BĐS rất lớn, đi kèm với đó là tốc độ đô thị hóa nhanh chóng sẽ khiến thị trường M&A BĐS hứa hẹn sôi động. Cùng với đó, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu… sẽ được sửa đổi, bổ sung với nhiều thay đổi lớn. Với môi trường pháp lý đang ngày càng hoàn thiện, thị trường BĐS kỳ vọng sẽ chào đón những thương vụ M&A lớn, mang lại giá trị lan tỏa tích cực.

Nguồn: Báo Index Vietnam.