Quyết liệt gỡ vướng các dự án bất động sản

Quyết liệt gỡ vướng các dự án bất động sản

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc, bất cập một cách quyết liệt, mạnh mẽ nhằm tạo chuyển biến tích cực, khởi sắc cho thị trường bất động sản

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công văn số 178/TTg-CN ngày 27-3 về thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản (BĐS), chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố bám sát tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

 

Tháo điểm nghẽn pháp lý
Tại văn bản trên, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với nhau, với các cơ quan liên quan và cùng quyết tâm của các doanh nghiệp (DN) để tháo gỡ vướng mắc, bất cập một cách quyết liệt, mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, tạo chuyển biến tích cực, khởi sắc cho thị trường BĐS.
Theo đó, Bộ Xây dựng hoàn thiện đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030; đồng thời chủ trì rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, DN. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Bộ Tài chính rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan phát hành trái phiếu DN, có biện pháp hỗ trợ DN cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán theo đúng quy định.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố, phải chủ động tổ chức các cuộc họp, làm việc trực tiếp với từng DN, từng dự án để kịp thời tháo gỡ ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền, tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Vướng mắc về pháp lý đã và đang tác động lớn đến quá trình triển khai các dự án BĐS trên cả nước. Trong Nghị quyết số 33/NQ-CP, Chính phủ xác định thể chế và vốn là 2 điểm nghẽn lớn nhất cần tháo gỡ. Theo Bộ Xây dựng, các vướng mắc chủ yếu liên quan đến pháp luật về đất đai. Trong đó, việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất… chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ; kỳ vọng các chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý sẽ giúp thị trường BĐS vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.


Quyết liệt gỡ vướng các dự án bất động sản - Ảnh 1.

TP HCM đang tập trung gỡ vướng cho 156 dự án bất động sản. Trong ảnh: Dự án khu phức hợp Sóng Việt (The Metropole Thủ Thiêm) Ảnh: Hoàng Triều

TP HCM: Cần "giải cứu" 156 dự án

Văn phòng UBND TP HCM cũng vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường, yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc tại 156 dự án BĐS của 121 nhà đầu tư trên địa bàn thành phố.

Trước đó, ngày 20-2, UBND TP HCM ban hành Thông báo 96 tháo gỡ vướng mắc tại 116 dự án nhưng đến ngày 24-3, con số dự án được tổng hợp đã tăng lên 156 dự án. Vì vậy, đối với các dự án được tổng hợp bổ sung, nằm ngoài nội dung chỉ đạo tại Thông báo 96, UBND TP HCM giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan tiếp tục trao đổi, thống nhất với Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA). Sau đó, báo cáo lại UBND thành phố chỉ đạo, phân công các đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì thụ lý, giải quyết đối với các nhóm hồ sơ có cùng vướng mắc; hoàn thành trước ngày 15-4.

Cùng với báo cáo cập nhật 156 dự án, HoREA kiến nghị TP HCM cập nhật nhóm dự án "vướng mắc pháp lý" vào việc phân loại vướng mắc. Theo HoREA, trong số 156 dự án BĐS đang vướng mắc, có 70% dự án vướng về pháp lý, tập trung chủ yếu vào các dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất công do sắp xếp lại, xử lý tài sản công; do di dời nhà xưởng bị ô nhiễm; do cổ phần hóa chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định hoặc phải rà soát lại tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính bổ sung.

Theo HoREA, trong năm 2022 và đầu năm 2023, hiệp hội này đã có 9 văn bản, đề nghị UBND thành phố xem xét tháo gỡ vướng mắc cho các dự án và được lãnh đạo thành phố rất quan tâm chỉ đạo xem xét, giải quyết. Việc này thể hiện qua các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi; Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức khẩn trương xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất UBND thành phố và cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các dự án BĐS trên địa bàn thành phố.

"Hiệp hội rất hoan nghênh lãnh đạo UBND TP HCM đã làm việc cùng các sở, ngành để kiểm tra, rà soát, đánh giá kết quả công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án BĐS trong thời gian qua và xác định các việc phải làm trong thời gian tới. Tất cả hoạt động của các lãnh đạo trung ương và TP HCM làm tăng niềm tin của DN và người dân" - đại diện HoREA nhấn mạnh. 

Nguồn: Báo CafeF.