Thành phố phía Đông: Chưa thấy nói đến vai trò của logistics

(TBKTSG) - TPHCM đang đề xuất hình thành thành phố sáng tạo phía Đông, với kỳ vọng sẽ nâng tầm không chỉ khu vực mới này, hay cả TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn thúc đẩy sự phát triển ở tầm quốc gia. Trên những diễn đàn khác nhau, đã có nhiều chuyên gia bình luận về các chức năng quan trọng cần phát triển, nhưng một nội dung chưa nhận được nhiều sự quan tâm tại thời điểm này đó là xây dựng thành phố phía Đông như là hạt nhân để đưa TPHCM trở thành một trung tâm logistics toàn cầu.

Việc định vị thành phố phía Đông là hạt nhân, để đưa TPHCM trở thành một trung tâm logistics toàn cầu, có thể được xem là một mục tiêu cần thiết và quan trọng trong quá trình phát triển thành phố phía Đông không kém các mục tiêu khác. Ảnh: THÀNH HOA

Trong một báo cáo được công bố vào năm 2015 , CBRE định nghĩa trung tâm logistics là những khu vực thúc đẩy, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa. Những trung tâm có vị trí chiến lược và có quy mô lớn thì có thể đạt đến tầm trung tâm logistics toàn cầu, luân chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển giữa các phương thức khác nhau, bao gồm hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa, tối ưu hóa quá trình phân phối hàng hóa và giảm thiểu chi phí giao dịch giữa các nhà cung ứng với người tiêu dùng cuối cùng. Trong báo cáo, CBRE chọn ra 30 thành phố đóng vai trò là trung tâm logistics toàn cầu và 20 thành phố là trung tâm logistics khu vực, và mặc dù ghi nhận cảng TPHCM nằm trong danh sách 25 cảng biển hàng đầu thế giới, CBRE không đưa một cái tên nào từ Việt Nam vào hai danh sách này.

Nhưng đến phần cuối báo cáo, khi nhận định về những thành phố có khả năng phát triển thành trung tâm logistics toàn cầu trong tương lai thì TPHCM là cái tên duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà báo cáo tin rằng có thể đạt được vị trí này vào năm 2050.

Năm năm sau khi báo cáo của CBRE được công bố, TPHCM đang đi đúng trên con đường mà các tác giả báo cáo đã dự đoán. Việt Nam đã có thêm nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trong những năm qua, nổi bật là với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Liên minh kinh tế Á - Âu. Hoạt động sản xuất và logistics đã liên tục phát triển ở TPHCM và các tỉnh lân cận trong nửa thập kỷ qua, thêm vào đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 càng khiến cho xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc diễn ra nhanh hơn. Nhiều chuyên gia đã nhận định, Việt Nam nói chung và khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm TPHCM) nói riêng sẽ có nhiều thuận lợi để là điểm đến tiếp nhận dòng đầu tư này.

Xét về thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng logistics tại TPHCM, thì khu vực dự định hình thành thành phố phía Đông đang quy tụ cả cụm cảng biển lớn nhất và cụm cảng cạn lớn nhất (khu vực ICD Trường Thọ) Việt Nam. Về cảng biển, cụm cảng Cát Lái và cảng container quốc tế SP-ITC còn là cụm cảng feeder lớn nhất thế giới, với gần 90 tuyến dịch vụ hàng tuần. Dù khu vực ICD Trường Thọ dự kiến sẽ được di dời trong những năm tới để dành chỗ cho khu đô thị tương lai, thì hai trong số các khu vực hình thành các ICD mới tại TPHCM cũng đều nằm tại thành phố phía Đông là Cát Lái và Long Bình (thuộc quận 9).

Cũng trong khu vực thành phố phía Đông, hiện có trung tâm logistics tại khu công nghệ cao của Transimex với tổng diện tích 30.000 mét vuông cùng hệ thống kho gần 60.000 mét vuông của Sotrans, cung cấp các dịch vụ logistics đa dạng cho các khách hàng. Theo Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì tại khu vực thành phố phía Đông cũng có ba trong tám vị trí hình thành thêm các trung tâm logistics của TPHCM bao gồm khu công nghiệp Cát Lái, khu ICD Long Bình và khu công nghiệp Linh Trung.

Thành phố phía Đông cũng sẽ là điểm nằm giữa vị trí của hai sân bay quốc tế hàng đầu cả nước là sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, khu vực này thích hợp để thành lập một trung tâm logistics chuyên dụng hàng không theo nội dung Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 3-7-2015. Như vậy, thành phố phía Đông đang là hạt nhân phát triển logistics của TPHCM, cả về nguồn lực cảng biển, tiềm năng thu hút đầu tư và phát triển trung tâm logistics cũng như khả năng kết nối cao đến các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, phát triển thành phố phía Đông trở thành hạt nhân để đưa TPHCM trở thành một trung tâm logistics toàn cầu là một mục tiêu còn nhiều thách thức.

Điều đầu tiên, là ở việc lựa chọn ưu tiên. Hiện chưa có nhiều thảo luận liên quan đến việc định vị thành phố phía Đông như một trung tâm logistics tầm cỡ toàn cầu, dù gần đây lãnh đạo thành phố đã nhắc đến mục tiêu đưa TPHCM trở thành trung tâm logistics của khu vực.

Dường như những mục tiêu như trung tâm về tài chính, công nghệ cao hay giáo dục đang được chú trọng nhiều hơn trên các diễn đàn, và đó là những mục tiêu nghe có vẻ “sang” hơn so với một trung tâm logistics. Tuy nhiên, một trung tâm sáng tạo, khu công nghệ cao và khu chế xuất sẽ cần đầu vào và có đầu ra. Vai trò trung tâm logistics là rất cần thiết để tối ưu hóa quá trình luân chuyển những nguyên liệu/sản phẩm đầu vào - đầu ra đó. Và xét về mặt giải pháp logistics cho doanh nghiệp, thì trung tâm logistics cũng chính là một trung tâm sáng tạo.

Ngoài ra, trao đổi với người viết, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng xét về tầm nhìn cho TPHCM, một trung tâm logistics hoàn toàn không xung đột với một trung tâm tài chính, các thành phố lớn trong khu vực đều có những trung tâm đa chức năng như vậy. Phố Đông của Thượng Hải là một trường hợp đáng xem xét, Phố Đông có trung tâm tài chính, thương mại, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu thương mại tự do, và có khu cảng container nước sâu Waigaoqiao rất tấp nập với các hoạt động logistics, và Thượng Hải chính là một trung tâm logistics toàn cầu.

Ngay cả khi được xác định mục tiêu trở thành một trung tâm logistics tầm cỡ và được cho phép thành lập, thì thành phố phía Đông cũng còn nhiều thách thức ở phía trước.

Hiện nay quỹ đất quy mô lớn ở thành phố phía Đông không còn nhiều, trong khi việc xây dựng các trung tâm logistics cần quỹ đất với diện tích nhất định. Và mặc dù có hệ thống cảng biển lớn, kết nối cảng biển với hậu phương cũng chưa thể được xem là hiệu quả. Thành phố cần sớm hoàn thiện đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố nhằm xác định được vị trí xây dựng các trung tâm logistics để ưu tiên quỹ đất, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quan trọng như khép kín đường vành đai 2, tiếp tục xây dựng đường vành đai 3, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, xây dựng cầu Cát Lái và hoàn thiện các nút giao An Phú, Mỹ Thủy để tăng cường hiệu quả hoạt động của các bến cảng và các trung tâm logistics trong khu vực.

Việc định vị thành phố phía Đông là hạt nhân, để đưa TPHCM trở thành một trung tâm logistics toàn cầu, có thể được xem là một mục tiêu cần thiết và quan trọng trong quá trình phát triển thành phố phía Đông không kém các mục tiêu khác. Song song với quá trình hoàn chỉnh về chính sách, thì những chuẩn bị về hạ tầng cần được đẩy nhanh tiến độ, bởi cơ hội để tham gia vào việc dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn sẽ không kéo dài quá lâu. Liệu chúng ta có lại bỏ qua cơ hội chuyển mình này?

Nguồn: Báo Kinh tế Saigon.