Không chỉ phân khúc đất nền, căn hộ mà nhà phố, biệt thự, shophouse tại khu vực phía Đông Tp.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đã rục rịch trở lại sau khoảng thời gian dài im ắng.
Loạt động thái về dự án đón sóng thị trường
Vốn là thị trường sôi nổi về nguồn cung dự án và sức cầu, tuy nhiên, gần một năm nay, thị trường bất động sản phía Đông Tp.HCM im ắng do những tác động của chính sách, tâm lý nhà đầu tư. Nhiều hoạt động của doanh nghiệp tạm dừng, người mua cũng im ắng chờ cơ hội trở lại.
Ghi nhận gần đây cho thấy, thị trường phía Đông bắt đầu rục rịch hoạt động. Không chỉ khu vực Tp.Thủ Đức (Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức cũ) mà Đồng Nai, Bình Dương các hoạt động đầu tư, mua bán đã xuất hiện trở lại. Trong đó, trước một số thông tin tích cực từ thị trường, các chủ đầu tư đã tăng cường động thái như kick off, giới thiệu dự án mới, cất nóc, đầu tư tiện ích phân khu…
Chẳng hạn mới đây, tại Đồng Nai, Thang Long Greal Group chính thức khởi động dự án căn hộ Fiato City tại huyện Nhơn Trạch. Đây là dòng sản phẩm nằm trong khu dân cư Thang Long Home – Hiệp Phước đã được bàn giao giai đoạn 1. Động thái chào sân sản phẩm căn hộ lúc thị trường chưa phục hồi cho thấy, doanh nghiệp muốn đón đầu sức mua sản phẩm bất động sản giá vừa túi tiền – vốn đang khá khan hiếm tại Tp.HCM và các vùng giáp ranh thuộc phía Đông.
Tại khu vực Biên Hoà, Nam Long Group cũng chuẩn bị khởi động dự án KĐT Izumi City (170 hecta). Với các dòng sản phẩm như nhà phố liền kề, shophouse, biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, khu căn hộ…khu đô thị tích hợp này có vốn đầu tư hơn 9.000 tỉ đồng.
Tương tự, tại Dĩ An, Bình Dương, động thái cất nóc sớm tại một số dự án căn hộ cho thấy, doanh nghiệp đang tạo niềm tin cho thị trường suốt thời gian dài biến động.
Mới đây, Phú Đông Group tổ chức cất nóc dự án Phú Đông Sky Garden vượt tiến độ sau 13 tháng thi công. Dự án khởi công vào tháng 3/2022 và cất nóc trước ngày 30/4/2023.
Tương tự, Tập đoàn Lê Phong đã tổ chức lễ bàn giao căn hộ cho khách hàng tại dự án The Emerald Golf View (Tp.Thuận An, Bình Dương). Dự án được chính thức khởi công tháng 7/2020, có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng với gần 1.100 căn hộ.
Tại thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu, nếu phân khúc căn hộ im ắng thì đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng rục rịch trở lại. Một số dự án đất nền tại Phú Mỹ, Đất đỏ đã có giao dịch trở lại trong 3 trở lại đây. Trong khi đó, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng dự báo tăng nhẹ tại đây sau thời gian im ắng. Tuy nhiên, mặt bằng giá sơ cấp được dự báo duy trì ổn định, khó có những biến động về giá trong ngắn hạn.
Tại khu vực Tp.Thủ Đức, Tp.HCM một số dự án sau thời gian nghe ngóng thị trường đã có kế hoạch bung sản phẩm từ giữa năm 2023. Chẳng hạn, dòng sản phẩm căn hộ thuộc KĐT Vạn Phúc City dự kiến bung thị trường từ quý 3/2023. Vinhomes Grand Park tiếp tục giới thiệu phân khu mới với các sản phẩm căn hộ giá từ 3 tỉ đồng/căn. Sau hai giai đoạn mở bán, dự án căn hộ MT Eastmark City thuộc P.Long Trường, quận 9 đang rục rịch giai đoạn tiếp theo ra thị trường.
Kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường bất động sản
Báo cáo mới đây của CBRE Việt Nam chỉ ra, thị trường căn hộ bán Tp.HCM đã có sự cải thiện về nguồn cung mới với gần 2.900 căn hộ được chào bán ra thị trường, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, dự án đại đô thị Vinhomes Grand Park tại quận 9 tiếp tục chào bán với số lượng căn chiếm gần 50% tổng nguồn cung chào bán mới của quý 1/2023.
Giá bán căn hộ trung bình trong Quý 1/2023 tăng 2% so với quý trước và 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nằm ở mức trên 60 triệu đồng/m2. Đáng nói, thị trường bất động sản nở rộ các chính sách bán hàng đặc biệt. Cụ thể thị trường ghi nhận có dự án chỉ cần đóng 5% giá trị căn hộ là có thể ký hợp đồng mua bán và thanh toán 35% giá trị căn hộ cho tới khi nhận nhà. Nhiều chủ đầu tư cũng chủ động hỗ trợ lãi vay với mức hỗ trợ cao hơn hoặc trong thời gian dài hơn để có thể tiếp tục thu hút khách hàng.
Bên cạnh mạnh tay chiết khấu cho phương thức thanh toán nhanh, các chủ đầu tư còn có xu hướng kéo giãn lịch thanh toán nhằm kích cầu thị trường giữa bối cảnh khó khăn chung.
Cùng với đó, đây là thời điểm ghi nhận nhiều chính sách mới được ban hành dành riêng cho loại hình sản phẩm Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ với quy mô khoảng 120.000 tỷ đồng. Đây được kỳ vọng là chìa khóa để giải tỏa nút thắt vấn đề mất cân bằng cung – cầu của thị trường đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây.
Trước một số thông tin tích cực từ thị trường, các chủ đầu tư đã tăng cường động thái như kick off, giới thiệu dự án mới, cất nóc, đầu tư tiện ích phân khu…
Tuy nhiên, các yếu tố quan trọng của các chính sách này bao gồm lãi suất cho vay đối với cả người mua nhà và chủ đầu tư, cũng như thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi đều chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của khách hàng. Như vậy trong thời gian tới, thị trường kỳ vọng sẽ có thêm nguồn cung các sản phẩm nhà ở thuộc nhóm NOXH bên cạnh các sản phẩm nhà ở thương mại với số lượng sản phẩm vẫn trong tình trạng số lượng hạn chế.
Riêng với thị trường bất động sản khu Đông Tp.HCM được dự báo sẽ tăng nhiệt về nguồn cung lẫn sức cầu do có những yếu tố lợi thế về hạ tầng.
Thời gian gần đây, cả thị trường kì vọng những chính sách và sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành sẽ giúp bất động sản hồi phục. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, một trong những giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được thành phố tập trung triển khai là "rã băng" từ từ thị trường bất động sản bằng các giải pháp về vốn kết hợp với việc tập trung tối đa giải quyết, gỡ vướng về pháp lý cho các dự án. Khi ngành bất động sản được gỡ vướng, nhiều ngành nghề khác sẽ được kích thích, việc làm của người dân được tăng thêm.
UBND TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, doanh nghiệp, trực tiếp chỉ đạo tập trung tháo gỡ cho 31 dự án đang bị vướng mắc về pháp lý, dẫn đến chậm triển khai. Trong đó đã có 11 dự án đã được tháo gỡ gần đây.
Nhằm giải quyết triệt để vướng mắc của các dự án, Tp.HCM còn triển khai thành lập các tổ công tác, đốc thúc, giải quyết rốt ráo, dứt điểm những vấn đề tại các dự án bất động sản; kết hợp với các doanh nghiệp, Hiệp hội bất động sản để giải quyết theo chuyên đề.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, bên cạnh điều tiết nguồn vốn hỗ trợ cho bất động sản, giải ngân đầu tư công cho hạ tầng giao thông, dự án nhà ở xã hội thì giải pháp cấp bách nhất là UBND Tp.HCM tiến hành ngay các công việc trong thẩm quyền của mình để tăng nguồn thu. Chẳng hạn như tập trung tháo gỡ vướng mắc ở khâu tính tiền sử dụng đất các dự án nhà ở thương mại, vì tình trạng chậm xác định tiền sử dụng đất dự án vừa làm giảm nguồn thu ngân sách thành phố, vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người mua nhà, giảm nguồn cung... Nếu giải quyết ngay các hồ sơ nộp tiền sử dụng đất cho số dự án nhà ở thương mại đang có vướng mắc sẽ giúp ngân sách thành phố thu được hàng nghìn tỷ đồng.
Nhận định về triển vọng thị trường trong năm 2023, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành, CBRE Việt Nam cho hay, tuy còn thách thức nhưng thị trường bất động sản đã có những điểm sáng nhất định. Các khó khăn về pháp lý hy vọng sẽ được tháo dỡ dần với việc thực thi Nghị Định 10/2023 ND-CP sửa đổi bổ sung luật Đất Đai.
Các chủ đầu tư trong nước cần chủ động tìm kiếm các nguồn vốn thay thế như hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, thuê tài chính, huy động vốn từ các quỹ đầu tư, giảm tối thiểu đòn bẩy tài chính và hạn chế đầu tư dàn trải. Đối với các khoản huy động vốn từ ngân hàng thì cần có chính sách quản lý rủi to tài chính hợp lý.
Nguồn: Báo SMoney.