Tiềm năng phát triển của bất động sản gần các tuyến Metro

Các dự án bất động sản xung quanh các tuyến Metro tại TP.HCM tăng giá mạnh trong thời gian qua và sẽ tiếp tục có chiều hướng tăng trong thời gian tới nhờ được hưởng nhiều lợi ích về giao thông và quy hoạch đô thị.

Sự phát triển của hệ thống Metro trên thế giới

Metro được xem như giải pháp sống còn cho giao thông nội đô tại các đại đô thị có mật độ dân cư cao và bán kính lên tới 30km. Tuyến đường sắt ngầm đầu tiên trên thế giới là Metropolitan Railway, hình thành tại Anh vào năm 1863 chính là tiền đề cho sự phát triển của khu vực ngầm "ăn theo" Metro, đồng thời góp phần đưa thành phố London trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của châu Âu và thế giới.

Đến nay Metro đã phát triển nhanh chóng tại các đô thị lớn với khoảng 80 hệ thống Metro trên toàn thế giới. Metro đi cùng với hệ thống đô thị ngầm và đô thị liền kề đã tạo nên những thay đổi lớn cho đô thị của nhiều quốc gia.

Tiềm năng phát triển của bất động sản gần các tuyến Metro - Ảnh 1.

Metro không chỉ giúp giao thông thuận lợi mà còn thúc đẩy kinh tế phát triển

Có thể kể đến như thành phố ngầm RESO ở Montreal - Canada với hệ thống đường ngầm dài 32km, kết nối khoảng 80% khu văn phòng và 35% khu thương mại ở trung tâm thành phố. Hay tại Nhật Bản, mạng lưới đô thị ngầm điển hình như Crysta Nagahori ở thành phố Osaka với tổng diện tích hơn 81.000 m2, trải dài qua quận Umeda, Namba và Shinsaibashi, thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của hệ thống bán lẻ. Chỉ riêng quận Umeda đã bao gồm hơn 1.200 cửa hàng bán lẻ và nhà hàng, các ga tàu điện ngầm. Tại Thái Lan, các dự án tàu điện nội đô đã trở thành động lực phát triển kinh tế trong nước, tạo ra hàng triệu việc làm mới, thu hút hàng chục tỷ USD đầu tư…

Các chuyên gia phân tích đều nhận định khi các tuyến Metro đi vào hoạt động sẽ có sự tác động mạnh mẽ đến toàn bộ diện mạo đô thị. Theo đó, các siêu thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi sẽ có xu hướng đặt gần hệ thống nhà ga Metro để người dân dễ dàng tiếp cận. Song song theo đó, nhiều dự án nhà ở gần các tuyến Metro sẽ trở thành xu hướng phát triển, làm thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân, làm tăng giá trị bất động sản ở các khu vực này.

Tuyến Metro số 4 và cú hích cho bất động sản phía Tây

TP.HCM với số dân đông nhất nước, đang ngày càng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề của hệ thống hạ tầng vốn đã thiếu, yếu và quá tải. Do đó, hệ thống Metro là cơ hội phát triển hạ tầng, cũng như tái cấu trúc cho đô thị này.

Hiện thi công tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đạt gần 76% khối lượng và thành phố đặt mục tiêu đưa vào khai thác cuối năm 2021, nhưng ngay từ năm 2015 đã có khoảng 30 dự án bất động sản mở bán và ăn theo tuyến này. Theo báo cáo của CBRE về sự hình thành "Thành phố phía Đông", từ năm 2018, giá nhà trên thị trường thứ cấp đã tăng đáng kể khi tuyến Metro dần hoàn thiện, mức giá chào bán cao hơn 25-75% so với giá bán khởi điểm ban đầu.

Không chỉ khu Đông, mà các khu vực ven đô khác tại TP.HCM cũng đang trên đà đô thị hóa, tiềm năng về mô hình phát triển đô thị có định hướng giao thông công cộng, đơn cử như khu Tây thành phố nói chung và quận 12 nói riêng.

Theo đó, bất động sản khu vực này có nhiều khởi sắc từ khi tuyến Metro số 4 được phê duyệt triển khai. Chắc chắn khi đưa vào hoạt động, tuyến Metro này sẽ là đòn bẩy giúp bất động sản nơi đây phát triển, tiềm năng tăng giá nhanh và các lợi ích về giao thông giao thương.

Tuyến Metro số 4 có lộ trình từ Thạnh Xuân (quận 12) đến khu đô thị Hiệp Phước (Nhà Bè) với tổng chiều dài trên 35km, vốn đầu tư lên đến 97.000 tỉ đồng gồm 32 ga dừng đỗ đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò vấp, Phú Nhuận và Nhà Bè.

Có thể thấy rằng khi Metro số 4 đi vào hoạt động, cư dân từ các quận ven thành phố như Gò Vấp, quận 12 sẽ dễ dàng đi vào trung tâm với thời gian rút ngắn hơn nhiều so với hiện nay (dưới 15 phút). Đây là những điểm nhấn thu hút dân cư và nhân lực chất lượng cao mua nhà tại khu vực gần tuyến Metro này thay vì tập trung vào trung tâm đông đúc, thiếu không gian xanh.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ