TPHCM thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án kết nối vùng hơn 12.000 tỉ đồng

Phối cảnh dự án nút giao thông An Phú (Thành phố Thủ Đức). Ảnh: Minh Quân

Phối cảnh dự án nút giao thông An Phú (Thành phố Thủ Đức). Ảnh: Minh Quân

Dự án nút giao An Phú và xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, tổng vốn hơn 12.000 tỉ đồng được HĐND TPHCM thông qua chủ chương đầu tư.

Ngày 22.4, HĐND TPHCM tổ chức kỳ họp thứ 25 (kỳ họp chuyên đề) và tổng kết hoạt động HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2016 - 2025.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua chủ chương đầu tư công dự án nút giao An Phú và xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, tổng vốn hơn 12.000 tỉ đồng.

Đây là hai dự án quan trọng sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 nhằm liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế xã hội vùng TPHCM phát triển.

Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua chủ chương đầu tư 2 dự án kết nối vùng hơn 12.000 tỉ đồng.  Ảnh: M.Q

Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua chủ chương đầu tư 2 dự án kết nối vùng hơn 12.000 tỉ đồng. Ảnh: M.Q

Cụ thể, dự án nút giao An Phú (Thành phố Thủ Đức) kết nối đại lộ Mai Chí Thọ và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; đồng thời, góp phần hoàn thiện kết nối TPHCM với các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam đang được Bộ Giao thông Vận tải triển khai đầu tư như: Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (giai đoạn 2), cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo...

Phương án thiết kế xây dựng nút giao An Phú có 3 tầng gồm: Hầm chui (2 chiều) kết nối đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (theo hướng đi về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại); kết hợp hầm chui được kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.

Mặt đất sẽ xây các tiểu đảo, đảo tại các nút giao kết hợp đèn tín hiệu giao thông.

Tiếp đó, xây cầu vượt theo hướng từ đường Lương Định Của và đường Mai Chí Thọ vào đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và cầu vượt theo hướng từ ngã ba Cát Lái - Mai Chí Thọ đi cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Công trình có tổng mức đầu tư 3.926 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó vốn Trung ương 1.800 tỉ đồng, vốn TPHCM là 2.126 tỉ đồng.

Hướng từ đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây về nút giao An Phú (quận 2) thường xuyên ùn tắc do mật độ phương tiện đông. Ảnh: Minh Quân

Hướng từ đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây về nút giao An Phú (quận 2) thường xuyên ùn tắc do mật độ phương tiện đông. Ảnh: Minh Quân

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối TPHCM tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn) có mức đầu tư hơn 8.200 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 4.000 tỉ đồng, còn lại là ngân sách thành phố đối ứng là 4.200 tỉ đồng.

Công trình này gồm các hạng mục xây bờ kè dài hơn 32,7km bằng bê tông; nạo vét toàn tuyến kênh; làm mới sửa chữa các các cống ngang đấu nối ra kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên; xây dựng 12 bến thuyền dọc tuyến kênh; làm đường và công trình hạ tầng dọc theo chiều dài 2 bờ kênh...

Dự án nhằm thoát nước, chống ngập cho 7 quận, huyện (12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh); hình thành tuyến giao thông thủy - bộ kết nối giữa TPHCM đi các tỉnh miền Tây qua cửa ngõ Long An và đi các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai (không đi xuyên qua trung tâm thành phố) nhằm giảm kẹt xe, phát triển du lịch và vận chuyển hàng hoá.

Ngoài ra, dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được cho sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu người dân trong lưu vực rộng gần 15.000ha.

Nguồn: Báo Lao động.