Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vừa chống dịch vừa tăng tốc về đích

Tiến độ tuyến metro số 1 vẫn được đảm bảo trong thời gian TPHCM giãn cách xã hội.  Ảnh: MAUR

Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM chiều 7.6 cho biết, các nhà thầu tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vẫn làm việc không ngừng trong giai đoạn nước rút và ưu tiên hàng đầu là hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường an toàn trước dịch COVID-19.

Giãn cách nhưng phải tăng tốc

Theo ông Huỳnh Hồng Thanh – Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, MAUR và các nhà thầu thi công tuyến metro số 1 đã đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo tiến độ thi công và ưu tiên chống dịch COVID-19 trên các công trường.

Theo đó, kỹ sư và công nhân đang sinh sống tại các khu vực quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) không tới công trường trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Đồng thời, MAUR cũng thành lập đội chống dịch tại các công trường, liên tục cập nhật các thông tin để nhắc nhở người lao động nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế.

Đặc biệt, công nhân, kỹ sư và người ra vào công trường phải đeo khẩu trang, khử khuẩn và kiểm tra thân nhiệt, cập nhật danh sách và theo dõi tình hình sức khỏe công nhân, kỹ sư ra vào công trường để kịp thời xử lý.

Kiểm tra thân nhiệt người ra vào công trường tuyến metro số 1.  Ảnh: MAUR

Kiểm tra thân nhiệt người ra vào công trường tuyến metro số 1. Ảnh: MAUR

Theo MAUR, trong thời gian TPHCM giãn cách theo Chỉ thị 15, các gói thầu của tuyến metro số 1 vẫn được tăng tốc thi công ngày đêm. Hiện trên công trường tuyến metro số 1 có khoảng 2.100 kỹ sư, công nhân làm việc mỗi ngày.

Tổng khối lượng của toàn dự án đã đạt 85,40%. Hạng mục đang thi công rầm rộ nhất là gói thầu CP1a (Nhà ga Bến Thành và đoạn hầm ngầm trên đường Lê Lợi). Hiện công trường đang thi công 3 ca liên tục với 739 kỹ sư, công nhân để hoàn thành đúng tiến độ đặt ra. Hiện gói thầu CP1a đã đạt 89,55% khối lượng.

Tương tự, gói thầu CP1b (Đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) khối lượng thực hiện đạt 97,1%; Gói thầu CP2 (Đoạn trên cao và depot) đạt 92,71% khối lượng thực hiện và gói thầu CP3 (Mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng về thiết bị) hiện khối lượng thực hiện đã đạt 70,50%.

Thêm 2 đoàn tàu metro số 1 sắp về TPHCM

Theo ông Huỳnh Hồng Thanh, dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều nước trên thế giới khiến việc nhập các đoàn tàu về Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Đến nay đã nhập được 3/17 đoàn tàu về Việt Nam.

Ông Thanh cho biết, rút kinh nghiệm từ các đợt vận chuyển đoàn tàu lần đầu năm 2020, MAUR đã yêu cầu nhà thầu Hitachi lập kế hoạch chi tiết và đưa ra các phương án khắc phục, không bị động bởi dịch bệnh COVID-19, đảm bảo thời gian vận chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam đúng tiến độ.

Theo kế hoạch, hai đoàn tàu thứ 4 và 5 của tuyến metro số 1 dự kiến được đưa về TPHCM giữa tháng 6 này.

Một đoàn tàu metro số 1 trên đường ray depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức) hồi tháng 5.2021.  Ảnh: Anh Tú

Một đoàn tàu metro số 1 trên đường ray depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức) hồi tháng 5.2021. Ảnh: Anh Tú

Cũng theo ông Huỳnh Hồng Thành, MAUR đã chuẩn bị để vận hành thử nghiệm tuyến metro số 1 theo từng giai đoạn. Cụ thể: Vận hành thử nghiệm trong depot, sau đó thử nghiệm từ Depot đến ga Bình Thái; thử nghiệm từ Depot đến ga Tân Cảng và cuối cùng là toàn tuyến cùng với việc thử nghiệm vận hành 11 hệ thống khác như: hệ thống điện, hệ thống thông tin tín hiệu (điều khiển tàu), đường ray…

Theo kế hoạch ban đầu vào cuối năm 2021, tuyến metro số 1 sẽ vận hành thương mại. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 khiến việc đưa chuyên gia và nhập vật liệu thi công bị chậm nên tuyến metro số 1 phải dời sang năm 2022 mới vận hành thương mại.

Tuyến metro số 1 dài 19,7 km, trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km, đoạn đi trên cao dài 17,1 km. Toàn tuyến có 14 nhà ga gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỉ đồng.

Nguồn: Báo Lao động.