Cơn khát bất động sản xanh tại Việt Nam

Một khu nhà ở xã hội tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vừa được Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng thế giới trao chứng chỉ xanh EDGE. Theo chủ đầu tư, dự án này tiết kiệm khoảng 25% năng lượng; 36% nước và gần 32% năng lượng hàm chứa trong vật liệu. Việc thiết kế cảnh quan theo hướng xanh cũng góp phần giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị vào môi trường xung quanh.
Dù là nhà ở phân khúc xã hội, đây là một trong số ít những dự án vượt qua những vòng kiểm định gắt gao để được cấp chứng chỉ. Nhu cầu của khách hàng về bất động sản xanh với các tiêu chí như gần gũi thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng khiến các chủ đầu tư ngày càng chú trọng phát triển dự án xanh, thân thiện môi trường. 

Số lượng công trình xanh ở Việt Nam không nhiều trong khi đòi hỏi của khách hàng và thách thức biến đổi khí hậu khiến nhu cầu ngày càng gia tăng.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, Việt Nam có 87 công trình đạt chứng nhận xanh, trong đó có 13 công trình đạt chứng chỉ EDGE (Tổ chức Tài chính quốc tế, thuộc nhóm Ngân hàng thế giới), 53 dự án đạt chứng chỉ LEED (Hội đồng công trình xanh Mỹ), 21 công trình nhận chứng chỉ LOTUS (Hội đồng công trình xanh Việt Nam). Còn theo báo cáo thị trường của CBRE Việt Nam, tính đến tháng 12/2018, Việt Nam mới chỉ có 104 dự án được chứng nhận xanh, con số còn rất khiêm tốn so với sự tăng trưởng thị trường xây dựng. Tỷ lệ vài phần trăm số lượng công trình đạt chứng chỉ xanh kém xa Singapore, nơi tỷ lệ này đạt tới 37%.
Một trong những nguyên nhân khiến số lượng công trình xanh ở mức thấp do chi phí đầu tư cao và những đòi hỏi nghiêm ngặt. Để đạt chứng chỉ xanh LEED, LOTUS hay EDGE, các chủ đầu tư sẽ phải chứng minh công trình của mình có tiềm năng giảm mức tiêu thụ năng lượng, nước ở mức cho phép. Đơn cử, chứng chỉ EDGE về các tiêu chí tiêu hao năng lượng của dự án phải đạt ít nhất là 20% so với một công trình điển hình theo tiêu chuẩn của Tổ chức tài chính quốc tế IFC.
Tại các nước như Pháp, Đức, Australia, các tiêu chí về công trình xanh cũng có thêm nhiều yêu cầu như sử dụng tấm năng lượng mặt trời trên mái nhà, phủ xanh mái các tòa nhà công nghiệp. Ở Đông Nam Á, Singapore cũng đi đầu với những công trình xanh bằng cách phủ khoảng trống trong tòa nhà bằng vườn cây và công viên.

Xem thêm tại Báo Người nổi tiếng.