Công điện 993 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành được đánh giá như một cú hích tạo sự chuyển biến một cách quyết liệt, thiết thực, hiệu quả.
Cú hích cho thị trường bất động sản
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã vừa ký Công điện số 993 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Từ đầu năm tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều các công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương để phối hợp thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đưa ra.
Các giải pháp đã tạo được những chuyển biến tích cực, nhất là việc giảm lãi suất cho vay và tín dụng cho bất động sản. 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được khởi công. 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Trong công điện mới nhất, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp quyết tâm hơn nữa, chủ động tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 33 và các công điện thông báo liên quan, phải coi đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, không né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Công điện 993 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành được đánh giá như một cú hích tạo sự chuyển biến một cách quyết liệt, thiết thực, hiệu quả
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, Công điện 993 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành như một cú hích tạo sự chuyển biến một cách quyết liệt, thiết thực, hiệu quả của tất cả các cơ quan từ Bộ, ngành, các tỉnh thành trực thuộc trung ương để có sự phối hợp đồng bộ nhịp nhàng và hiệu quả phải quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản. Và phải tiếp xúc, lắng nghe các doanh nghiệp để từ đó giải quyết, xử lý các khó khăn của các dự án bất động sản trên địa bàn.
Tâm lý thị trường ổn định hơn
Tại cuộc họp báo quý III vừa được Bộ Xây dựng tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã cung cấp thông tin về hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản. Từng nhóm, thậm chí từng dự án, từng chủ đầu tư được điểm danh cụ thể để tháo gỡ.
Đến nay, Tổ công tác đã nhận được 130 văn bản báo cáo khó khăn liên quan đến 183 dự án trên cả nước. 20 dự án được tập trung tháo gỡ trong quý III/2023.
"Chúng tôi cũng có những trao đổi thường xuyên, thậm chí là đã trực tiếp làm việc với các địa phương, để giải quyết dứt điểm các vấn đề trên tinh thần khẩn trương tháo gỡ cho các dự án để các dự án được đưa vào triển khai", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết.
Bộ Xây dựng cho biết, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý III/2023 đã tăng 300% so với quý trước đó. Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất theo quý.
"Một nút thắt nữa là niềm tin thị trường. Theo chúng tôi là đã dần ổn định hơn, ít có diễn biến quá tiêu cực, cắt lỗ chẳng hạn sẽ không còn nhìn thấy nữa", bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng và các thành viên trên thị trường cũng nhận định, bất động sản vẫn còn đối mặt với các khó khăn như vấn đề tính tiền sử dụng đất, quy hoạch, các thủ tục đầu tư.
Liên quan tới nội dung này, trong Công điện vừa được ban hành, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44 quy định phương pháp định giá đất. Tiếp tục đầu tư công sức, phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém.
Đề xuất gỡ khó cho thị trường bất động sản
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở tổ với phần đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các vấn đề liên quan. Đáng chú ý, vấn đề vướng mắc của thị trường bất động sản cũng đã được một số đại biểu đặt ra.
Tại phiên thảo luận, ông Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nêu vấn đề bức xúc của thành phố hiện nay là các dự án chậm tiến độ từ 10 - 20 năm, khiến dư luận bức xúc. Như Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai lâu năm và mới đây đã xử lý hủy được hơn 100 dự án.
"Ở đây vướng chủ yếu là Luật Đất đai, Luật Đầu tư nhưng gốc vẫn là Luật Đất đai. Phải chăng phải có một khảo sát tổng thể để ra một chủ trương, có một nghị quyết để tháo gỡ vấn đề này. Chính phủ chủ trương rất quyết liệt nhưng cần có pháp lý để triển khai. Dự án nào không có khả năng triển khai thì cần giải quyết dứt điểm, thu hồi lại", ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết.
Vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản là vấn đề pháp lý
Để kéo thị trường bất động sản phục hồi, một số ý kiến đại biểu cho rằng, cần quyết liệt tập trung thúc đẩy phát triển nhà ở nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cần sớm tháo gỡ các vướng mắc cho thị trường bất động sản. Theo đó, những vấn đề khác sẽ được khơi thông như thị trường vật liệu xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, khi giải quyết được điểm nghẽn với bất động sản sẽ giúp ổn định vĩ mô, khơi thông được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đánh giá, vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản là vấn đề pháp lý. Nếu tháo gỡ các vướng mắc này chúng ta sẽ khơi thông được các ách tắc của thị trường bất động sản hiện nay. Chúng tôi thấy các địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt. Trước hết các địa phương cần phân loại các vướng mắc dự án trên địa bàn.
Từ việc phân loại này thì các địa phương sẽ tiếp xúc với doanh nghiệp để lắng nghe khó khăn của các dự án giải quyết phù hợp. Bên cạnh đó, các vướng mắc vượt thẩm quyền của địa phương thì cần phải phối hợp với các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp vượt thẩm quyền thì phải báo cáo lên chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền để tháo gỡ.
Nguồn: Báo VTV.