Sự đột phá về hạ tầng giúp tăng giá trị và tăng thanh khoản cho các dự án TOD sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản năm sau.
Thông tin tuyến Metro số 1 vận hành đang đẩy giá bán của các sản phẩm bất động sản khu vực này tăng ngay cả trong bối cảnh thị trường thiếu thanh khoản. Ảnh: Quý Hòa
Lực kéo từ Metro
Xu hướng phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng (Transit Oriented Development - TOD) là mô hình được TP.HCM chủ trương làm chìa khóa phát triển không gian đô thị, đồng thời hứa hẹn tạo cú hích bứt phá cho bất động sản xung quanh tuyến Metro. Được biết, TP.HCM đã đặt kế hoạch thí điểm mô hình TOD ở khu vực nhà ga Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và các nút giao của dự án đường Vành đai 3, vì đây là 2 dự án đang xây dựng, các đầu mối giao thông chính cũng đã xác định. Tính đến thời điểm hiện tại, có 10 cụm đô thị trong khu vực thành phố Thủ Đức được quy hoạch dọc tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tạo thành các trung tâm phát triển mới. Tuyến Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỉ đồng đã hoàn thành 95% khối lượng tiến độ, dự kiến có thể khai thác vận hành từ đầu năm 2024.
Đáng chú ý, Vành đai 3 cũng là công trình giao thông quan trọng theo định hướng mô hình đô thị TOD. Đây là dự án giao thông trọng điểm quốc gia, với chiều dài 76 km, đi qua 4 tỉnh, thành, tổng mức đầu tư gần 75.400 tỉ đồng. Vành đai 3 kết nối 5 tuyến cao tốc hướng tâm gồm TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Mộc Bài và TP.HCM - Chơn Thành, tạo liên kết cho cả vùng.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 là điều kiện thuận lợi triển khai mô hình TOD để Thành phố điều chỉnh quy hoạch, thu hồi, đấu giá đất vùng phụ cận các đầu mối giao thông lớn để phát triển khu đô thị mới với mật độ dân cư đông, hạ tầng đồng bộ. Quỹ đất xung quanh các khu vực này đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM phối hợp ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, thống kê, có thể triển khai ngay một số dự án thí điểm.
Khảo sát cho thấy, dọc theo tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thu hút nhiều dự án bất động sản với quy mô lớn như đại đô thị Vinhomes Grand Park, The Madison, Saigon Luxury, City Garden, Sunwah Pearl, Saigon Pearl, The Manor, Thảo Điền Pearl, Masteri Thảo Điền, Masteri An Phú, Gateway Thảo Điền, Lavita Garden, Saigon Gateway...
Thông tin tuyến Metro số 1 vận hành đang đẩy giá bán của các sản phẩm bất động sản khu vực này tăng ngay cả trong bối cảnh thị trường thiếu thanh khoản. Theo dữ liệu của CBRE Việt Nam, giá bán trung bình ở một số dự án quanh tuyến Metro số 1 đã tăng 50-70%, cá biệt có dự án tăng 150% trong 8 năm (2015-2023).
Trợ lực từ Vành đai 3
TP.HCM định hướng tầm nhìn quy hoạch chung là định hướng phát triển không gian đô thị gắn với phát triển hệ thống hạ tầng giao thông công cộng với các khu đô thị nén ở những đầu mối giao thông. Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE, ở khu vực phía Nam, các tuyến đường vành đai, cao tốc sẽ tạo ra xu hướng xây dựng các đô thị ly tâm phát triển. Các hệ thống tuyến đường Vành đai không chỉ ảnh hưởng đến TP.HCM mà cả khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Long An, trong đó có thị trường bất động sản.
Nhiều dự báo lạc quan cho rằng thị trường bất động sản quý IV/2023 sẽ là bước đệm cho sự chuyển mình vào năm 2024 cùng với đà hồi phục của nền kinh tế. Trong đó, xu hướng đầu tư phát triển bất động sản theo hạ tầng không phải mới nhưng sẽ là lực đẩy cho các doanh nghiệp bất động sản tại phía Nam. Bởi vì, sự đột phá về hạ tầng chính là bệ phóng để tăng giá trị và tăng thanh khoản cho các dự án TOD nhờ mạng lưới hạ tầng giao thông phát triển.
Mô hình TOD đã khuyến khích doanh nghiệp bất động sản mua lại quỹ đất 2 bên đường, phát triển các dự án tầm cỡ. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng việc khai thác tốt quỹ đất 2 bên các tuyến đường mới mở hay tại các nhà ga của các tuyến Metro tạo môi trường kinh doanh minh bạch trong đấu giá, thu hút nhà đầu tư, thành phố bù đắp được khoản tiền đã bỏ ra đầu tư hạ tầng, từ đó đem tái đầu tư ở các dự án khác. Từ đây, thị trường sẽ đón nhận nhiều nguồn cung mới từ những dự án sạch về pháp lý.
Cùng với đường Vành đai 3, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được khởi công được kỳ vọng giúp giải quyết những tắc nghẽn trong liên kết vùng giữa TP.HCM và các địa phương vùng kinh tế Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, tạo bước đột phá cho nền kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đồng thời gián tiếp tác động tới thị trường bất động sản. Các công trình giao thông liên kết vùng này sẽ giúp người dân đi về thuận tiện hơn trong quá trình sinh sống, học tập và làm việc tại thành phố với mật độ dân số cao như TP.HCM. Đây sẽ là trợ lực lớn giúp thị trường bất động sản sớm phục hồi sau thời gian dài đóng băng.
Nguồn: Nhịp cầu đầu tư.