Nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản

Mặc dù thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc, nhưng các chuyên gia đánh giá thời gian qua đã có nhiều tín hiệu tích cực đối với thị trường. Đó là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cùng các bộ, ban ngành và địa phương…

Ảnh minh họa.

Ngay từ giữa tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn trong nước.

Tại Hội nghị, một trong những giải pháp cho nguồn vốn đang bị tắc nghẽn đã được đưa ra, với đề xuất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Gói tín dụng này sẽ tập trung vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân kèm mức lãi suất thấp hơn 1,5-2% so lãi suất vay thông thường vào từng giai đoạn của thị trường.

Cùng với đó, thời gian gần đây, Chính phủ còn đưa ra nhiều chỉ đạo nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn liên quan đến thị trường bất động sản hiện nay, từ đây có những giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường tiếp tục phát triển bền vững và lành mạnh. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành bất động sản và xem bất động sản là một ngành kinh tế đặc biệt quan trọng. 

Trong khi ấy, ở cụ thể các địa phương như Hà Nội và TP.HCM, những vướng mắc của hai thị trường bất động sản lớn nhất cả nước cũng từng bước được tìm hướng giải quyết. Tại TP.HCM, ngày 15/2/2023 Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường và lãnh đạo các sở, ngành đã làm việc cùng lãnh đạo 19 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe, trao đổi ý kiến về khó khăn của doanh nghiệp.

Đến ngày 20/2/2023, lãnh đạo UBND TP lại trực tiếp làm việc với từng lãnh đạo của 6 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản nhằm giải quyết vướng mắc của 7 dự án bất động sản.

Gần đây nhất ngày 2/3/2023, Chủ tịch UBND TP tiếp tục có buổi họp cùng sở ngành để rà soát, đánh giá công tác tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các dự án bất động sản trong thời gian qua, và xác định việc phải làm trong thời gian tới. Theo thông tin từ UBND TP, hiện đã gỡ vướng cho 4/7 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố (3 dự án còn lại thuộc thẩm quyền trung ương).

Còn trước đấy vào tháng 12/2022, UBND TP.Hà Nội có văn bản yêu cầu các sở ngành thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản. Thành phố giao Sở Xây dựng theo dõi chặt chẽ, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường.

Với những động thái trên, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường bất động sản ngay trong quý 1/2023 cũng đang có dấu hiệu tích cực, khi triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ, bằng những văn bản quy định pháp luật. Nhiều doanh nghiệp đã đảm bảo thực trạng “sức khỏe” thông qua việc cơ cấu, căn chỉnh và triển khai dự án nhằm chuyển giao nhanh chóng và hấp thụ dễ hơn. Sang quý 2/2023, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung sửa đổi, xử lý vấn đề vướng mắc về thủ tục đầu tư, với dự án nhóm nhà ở gồm: dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ.

“Với nỗ lực, đồng lòng và quyết tâm vượt khó, cùng tinh thần hội nhập, phát triển của các đơn vị, tổ chức, nhà môi giới, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ dần ấm lên. Từ đó khích lệ tinh thần, tạo ra sức lan tỏa cho các phân khúc, đưa thị trường vực dậy, phát triển vững mạnh theo đúng định hướng, mục tiêu 2023”, chuyên gia nhận xét.

Đồng quan điểm, chuyên gia Kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, năm 2023, nếu giải quyết được những khó khăn thì thị trường bất động sản phục hồi rất nhanh. Bởi vì thực tế lực cầu vẫn rất lớn, cho nên dự báo đâu đó khoảng quý 4/2023 khả năng phục hồi tương đối cao.

Nguồn: VnEconomy.