Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) năm 2024 mới đi vào hoạt động nhưng sức hút với thị trường bất động sản khá lớn. Xung quanh tuyến này, nhiều dự án căn hộ cao cấp chen chúc mọc lên.
Giá bán tăng theo từng năm
Thị trường bất động sản (BĐS) cả nước đang trải qua giai đoạn khó khăn, nhiều nơi giá vẫn đang lao dốc. Tuy nhiên, thị trường căn hộ cao cấp quanh tuyến metro số 1 TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) lại tăng giá, hầu hết nằm ở phía TP Thủ Đức.
sv
Dự án căn hộ cao cấp của chủ đầu tư Capital Land, đoạn Metro chạy qua quận 2, giá bán từ 100-150 triệu đồng/m2.
Dọc theo hai bên tuyến đoạn song song với Xa lộ Hà Nội xuất hiện dày đặc các dự án căn hộ cao cấp. Nhiều dự án đã hoàn thành và số khác đang xây dựng hối hả. Những dự án này đều thuộc phân khúc căn hộ cao cấp, có giá bán hiện tại dao động từ 100-250 triệu đồng/m2, trong khi giai đoạn mở bán ban đầu chỉ ở mức 40-50 triệu đồng/m2.
Đơn cử, giá bán của căn hộ tại dự án Masteri, nằm sát tuyến metro đi qua TP Thủ Đức, giai đoạn mở bán năm 2015 có giá từ 35-40 triệu đồng/m2. Hiện nay, giá giao dịch đã là 80-90 triệu đồng/m2.
Tương tự, trên đường Võ Nguyên Giáp, từ chân cầu Sài Gòn đến vòng xoay giao với đại lộ Mai Chí Thọ xuất hiện nhiều dự án như: Thảo Điền Pearl, Masteri Thảo Điền, Lumière Riverside, Gateway Thảo Điền, Estella Heights... Tất cả đều là những dự án căn hộ cao cấp, có giá bán hơn 100 triệu đồng/m2. Trong khi đó, vào thời điểm mở bán, giá căn hộ ở đây chỉ khoảng 40-50 triệu đồng/m2.
Khảo sát của PV cho thấy, giá bán căn hộ tại các dự án gần tuyến metro hiện nay đều ở mức cao, từ 100-200 triệu đồng/m2 tùy thuộc vào vị trí, thậm chí có dự án giá lên đến 290-400 triệu đồng/m2.
Điển hình, căn hộ thuộc dự án Empire City - The Monarch, có vị trí gần tuyến metro đi qua cầu Ba Son (quận 1) hiện có giá khoảng 200-250 triệu đồng/m². Trong khi đó, căn hộ tại dự án Thảo Điền Green, nằm sát tuyến metro đi qua TP Thủ Đức, đang được chào bán với mức giá khoảng 100-150 triệu đồng/m².
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở, CBRE Việt Nam cho biết, mặc dù thị trường BĐS vài năm trở lại đây khá trồi sụt, song giá căn hộ ở các dự án nằm dọc theo tuyến metro vẫn duy trì ở mức cao, năm sau luôn cao hơn năm trước.
Thống kê của CBRE, giá căn hộ dọc theo tuyến metro từ thời điểm mở bán đến hiện nay không ngừng tăng, với mức tăng lên từ 35-70% tùy thuộc vào vị trí, cá biệt có dự án tăng 150% trong 8 năm (2015-2023).
Ăn theo hạ tầng giao thông
Sự sôi động của phân khúc căn hộ cao cấp ven tuyến metro số 1 cho thấy thị trường BĐS TP.HCM đang trải qua một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự gia tăng các dự án căn hộ dựa trên hạ tầng giao thông công cộng.
Công nhân thi công tại dự án căn hộ cao cấp khu Thảo Điền, tiếp giáp tuyến Metro đoạn qua cầu Sài Gòn. Giá bán căn hộ ở đây từ 150-200 triệu đồng/m2.
Theo ông Kiệt, ở cùng khu vực, giá bán căn hộ dọc theo các tuyến giao thông công cộng thường cao hơn khoảng 15-20%. Đồng thời, các căn hộ dọc tuyến metro luôn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án nằm gần các nhà ga.
Cư dân ở những dự án này có thể đi bộ trong vòng 10 phút từ nhà đến ga và đó là lợi thế cho nhà đầu tư, vì vậy mà các căn hộ dễ thu hút người mua.
Trên thực tế, ở Thái Lan, Singapore… hoặc những quốc gia phát triển khác, khi hệ thống metro phát triển thì thị trường BĐS, đặc biệt là trong phân khúc dự án căn hộ cũng phát triển theo rất mạnh mẽ.
TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, chia sẻ, TP.HCM hiện nay đang phát triển đô thị kết hợp với hệ thống giao thông công cộng (phát triển đô thị theo mô hình TOD). Đây là một mô hình phổ biến đã được các thành phố lớn trên thế giới triển khai. Khi phát triển đô thị theo mô hình này, việc mở rộng đường giao thông sẽ diễn ra, làm tăng nhu cầu về nhà ở xung quanh các trục giao thông, thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS. Tuy nhiên, do hạn chế về diện tích đất sẵn có, TP.HCM sẽ tập trung ưu tiên phát triển nhà ở dưới dạng các dự án căn hộ xung quanh hệ thống giao thông công cộng. Đó cũng là bài học của các thành phố trên thế giới.
Cũng theo ông Điền, không phải mọi vị trí quanh trục giao thông công cộng đều phát triển dự án BĐS, mà thường chỉ có một số điểm gần nhà ga metro hoặc vị trí gần các trạm xe buýt, thuận tiện đi - đến - đi ga metro. Điều này cũng giúp hình thành một mạng lưới giao thông hiệu quả và thuận tiện, giảm thiểu tắc nghẽn và tối ưu hóa việc di chuyển trong thành phố.
Nói về nguyên nhân giá bán của các dự án căn hộ quanh trục giao thông luôn ở mức giá cao, nhiều dự án có giá tăng mạnh, ông Điền nhận định: "Vì cư dân sống gần đó dễ dàng di chuyển và người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có được sự thuận tiện. Metro cũng là phương tiện duy nhất không bị ảnh hưởng vì kẹt xe ở các thành phố lớn. Việc di chuyển thuận tiện chính là động lực khiến nhiều người chọn nơi an cư".
TOD (Transit Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư, phù hợp với những thành phố lớn. TP.HCM đang phát triển đô thị theo mô hình này định hướng đến năm 2060.
Theo Sở GTVT TP.HCM, với đặc thù đô thị "nén", quy mô dân số hơn 10 triệu người ở TP.HCM, việc áp dụng mô hình TOD được xem là chìa khóa giúp TP.HCM tạo đột phá trong phát triển giao thông công cộng gắn với phát triển đô thị bền vững. Ngành giao thông TP.HCM đang triển khai thí điểm mô hình TOD ở hai dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và dự án Vành đai 3.
Tiếp sau đó, từ kinh nghiệm ở hai dự án này sẽ nghiên cứu nhân rộng cho các tuyến đường sắt đô thị số 2, số 3, các tuyến Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Thành phố đang rà soát quy hoạch, thu hồi, đấu giá đất khu vực gần ga metro số 1, nút giao Vành đai 3 để phát triển các đô thị liền kề, kết nối đồng bộ với giao thông công cộng.