Thị trường văn phòng cho thuê tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục khởi sắc

Nghiên cứu của CBRE cho thấy, thị trường văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh trong quý II/2019 có sự gia tăng về nhu cầu thuê văn phòng mới tăng đến 29% so với cùng kì năm ngoái. Gần 40% tổng các yêu cầu thuê mới đến từ các công ty sản xuất và logistics. Không gian làm việc linh hoạt cũng tăng mạnh. Giá thuê cũng tăng nhẹ, cho thấy thị trường văn phòng cho thuê tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục khởi sắc.

Nhu cầu tăng, nguồn cung hạn chế

Thị trường văn phòng TP. Hồ Chí Minh trong quý 2/2019 không có thêm nguồn cung mới nào cho cả hai hạng A và B. Tính đến nửa đầu năm 2019, tổng nguồn cung thị trường văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh đạt 1.225.648m2 diện tích cho thuê từ 15 tòa nhà hạng A và 63 tòa nhà hạng B (thấp hơn thị trường Hà Nội 116,352 m2 diện tích thuê).
Do việc hạn chế nguồn cung trong nửa đầu năm 2019 nên giá thuê hạng A và hạng B tiếp tục tăng nhẹ. Tại thời điểm quý 2/2019, giá thuê trung bình hạng A là 46,7 USD/m2/tháng, tăng nhẹ 0,9% so với quý quý 1 và 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Còn hạng B đạt 23,5 USD/m2/tháng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, nhu cầu thuê văn phòng liên tục ghi nhận những điểm tích cực, đặc biệt là sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cuộc chiến thương mại này đã thúc đẩy các công ty sản xuất và logistics nước ngoài tìm kiếm mặt bằng văn phòng để dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Những động thái đó được thể hiện qua sự gia tăng về yêu cầu thuê văn phòng mới được ghi nhận bởi CBRE trong quý 2/2019 lên đến 29%, tăng 21 điểm phần trăm so với cùng kì năm ngoái. Gần 40% tổng các yêu cầu thuê mới đến từ công ty sản xuất và logistics và 50% trong số đó có văn phòng tại Trung Quốc. Bên cạnh ngành sản xuất và logistics, các công ty công nghệ thông tin cũng chiếm thị phần đáng kể với 15% tổng số yêu cầu thuê. Những công ty công nghệ này mở rộng nhanh chóng và họ tìm kiếm mặt bằng lớn để hợp nhất các chi nhánh nhỏ khác nhau.
Nhu cầu tăng trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến thị trường văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục khả quan với tỷ lệ trống của cả hai hạng A và hạng B ở mức thấp dưới 4%. Còn trong tương lai, theo dự báo của các nhà phân tích, thị trường văn phòng sẽ chứng kiến việc tái cấu trúc nguồn cầu văn phòng. Không gian làm việc linh hoạt, các công ty công nghệ thông tin và công ty bảo hiểm sẽ thay thế các công ty tài chính/ngân hàng để trở thành ba nguồn cầu chủ chốt trên thị trường văn phòng. Ngoài ra, các công ty sản xuất cũng có thể sẽ phục hồi vị trí khách thuê chính trong thị trường nếu không có những dấu hiệu tiêu cực nào ảnh hưởng đến kinh tế - chính trị Việt Nam trong tương lai.

Không gian làm việc chung ghi nhận sự tăng trưởng mạnh

Không gian làm việc linh hoạt tăng trưởng mạnh

Theo các công ty nghiên cứu thị trường, không gian làm việc linh hoạt tại thị trường TP. Hồ Chí Minh hiện nằm trong top 3 thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vục châu Á - Bình Dương với mức tăng trung bình hơn 80% mỗi năm.
Cụ thể, trong quý II/2019, thị trường đã tiếp nhận thêm hơn 4.000 m2 diện tích sàn từ năm địa điểm mới - Up Deutsches Haus (Q.1), The Hive - Huỳnh Khương Ninh (Q.1), Compass Office - Landmark 81 (Bình Thạnh), Leo Palace 21 (Q.1)... Mặc dù không gian làm việc linh hoạt được mở rộng nhanh chóng, hiệu suất hoạt động của thị trường này vẫn được ghi nhận rất tốt với tỷ lệ lấp đầy của phân khúc này vẫn đạt mức trung bình 80%.

Kafnu Hồ Chí Minh - không gian làm việc linh hoạt mới nhất vừa được đưa vào hoạt động

Gần đây nhất, vào đầu tháng 7/2019, Tập đoàn vận hành và quản lý khách sạn Next Story Group đã đưa Kafnu - Saigon Pearl (Bình Thạnh) vào hoạt động. Đại diện Kafnu cho biết, TP. Hồ Chí Minh là thị trường thứ 5 đánh dấu sự đi vào hoạt động của Kafnu trên toàn cầu, sau các thị trường như Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bengaluru (Ấn Độ) và Sydney (Australia) kể từ khi ra mắt lần đầu tiên tại Hồng Kông vào năm 2017.
Việc mở rộng nhanh chóng của thị trường không gian làm việc linh hoạt trong tương lai chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phổ biến của loại hình văn phòng “may đo” hay còn gọi là giải pháp văn phòng linh hoạt cho doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp. Nhiều nhà vận hành không gian làm việc linh hoạt lớn hiện nay đang áp dụng rộng rãi mô hình này như Up, WeWork, Toong... Đến thời điểm hiện tại, chỉ có Up thể hiện vai trò cung cấp gói dịch vụ “may đo” một cách tích cực nhất thị trường. Tuy nhiên một gương mặt mới vừa tham gia thị trường cũng hứa hẹn cung cấp dịch vụ đa dạng và linh hoạt đó là Kanfu. Ngoài việc cung cấp không gian làm việc, hội họp chung, Kafnu còn cung cấp phòng khách sạn, phòng dịch vụ fitness với các phòng tập ảo, quán bar, nhà hàng… cho đến cả diễn giả và các sự kiện phù hợp cho nhu cầu của các doanh nghiệp thành viên.
Theo CBRE, tính đến quý 2/2019, tổng nguồn cung tích lũy của thị trường đạt 46.266 m2 diện tích sàn, tăng 101% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm 2019, nâng tỷ lệ không gian làm việc linh hoạt so với tổng nguồn cung văn phòng từ 2% trong quý 2/2019 lên đến 5% vào quý 4/2019.
Chia sẻ thêm với Báo Công Thương điện tử, ông Desmond Sim, chuyên gia phân tích của CBRE đến từ Singapore nhìn nhận: Hiện TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 3 ở khu vực châu Á - Thái bình Dương về tốc độ tăng trưởng không gian làm việc linh hoạt. Tuy diện tích văn phòng dạng này ở TP. Hồ Chí Minh chưa nhiều như Hồng Kông, Singapore, Thượng Hải... nhưng trong tương lai sẽ gia tăng mạnh bởi nhu cầu của các công ty khởi nghiệp và cả các công ty đa quốc gia đến Việt Nam. Vì giống như Singapore hiện nay, các công ty đa quốc gia sẽ có 2 phần: phần lõi là các bộ phận hoạt động cố định sẽ phải thuê văn phòng truyền thống. Phần thứ hai là các nhân viên làm việc linh hoạt không thường xuyên đến văn phòng sẽ thích hợp hơn với không gian làm việc linh hoạt.

Nguồn: Báo Công thương.