Kiến nghị bố trí vốn chuẩn bị đầu tư 12 dự án PPP

12 dự án trọng điểm dự kiến triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) ở TP HCM được đề xuất bố trí kinh phí để làm công tác chuẩn bị đầu tư từ năm nay.

Đây là một trong nội dung vừa được lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải đề xuất Chủ tịch UBND TP HCM, nhằm chuẩn bị trình HĐND thành phố xem xét tại kỳ họp tháng 3 năm nay. Tổng mức đầu tư 12 dự án ước tính gần 72.800 tỷ đồng.

Để chuẩn bị cho việc đầu tư các công trình, Sở Giao thông Vận tải đề xuất bố trí 8,3 tỷ đồng triển khai công tác lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư. Sở kiến nghị lãnh đạo thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu trình HĐND TP HCM xem xét, thông qua mức vốn nêu trên tại kỳ họp sắp tới, nhằm sớm đầu tư các công trình.

Cao tốc TP HCM - Mộc Bài tương lai nối cao tốc Gò Dầu - Xa Mát. Đồ hoạ: Thanh Huyền

Cao tốc TP HCM - Mộc Bài tương lai nối cao tốc Gò Dầu - Xa Mát. Đồ hoạ: Thanh Huyền

Trong 12 dự án, cao tốc TP HCM - Mộc Bài là công trình được đề xuất ưu tiên làm các công việc chuẩn bị đầu tư trong năm nay. Tuyến đường dài hơn 53 km, kết nối thành phố qua Tây Ninh, triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư 15.900 tỷ đồng. Công trình dự kiến đầu tư hoàn thành năm 2025, giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu qua đầu mối cảng biển, hàng không ở khu vực...

Dự án cầu Thủ Thiêm 4 (nối TP Thủ Đức qua quận 7, vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng) và cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè qua Cần Giờ, tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng) cũng dự tính triển khai theo hình thức BOT, được đề xuất làm công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2022-2023. Đây là những cây cầu huyết mạch ở TP HCM, song khó khăn nguồn vốn nên nhiều năm qua chưa được đầu tư.

Phương án kiến trúc cầu Cần Giờ được chọn hồi tháng 4/2019. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM

Phương án kiến trúc cầu Cần Giờ được chọn hồi tháng 4/2019. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM

Các công trình khác được Sở Giao thông Vận tải đề xuất bố trí vốn lập kế hoạch đầu tư gồm: đường trục động lực (tuyến song song quốc lộ 50), đường trên cao số 1 (nút giao Cộng Hòa - Ngô Tất Tố), đường nối tuyến Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP HCM - Trung Lương), dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP HCM.

Kế đến, dự án xây cụm cảng trung chuyển - ICD tại phường Long Bình (TP Thủ Đức); các cảng cạn ở huyện Củ Chi, Tân Kiên (huyện Bình Chánh); hai bến xe hàng ở TP Thủ Đức và trong khu dân cư phía Nam xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh) cũng được đề xuất làm các công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2022-2023.

Theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2030, việc đầu tư các dự án được xác định theo mức độ ưu tiên, không làm dàn trải. Việc lập kế hoạch đầu tư các dự án này nhằm đảm bảo tiến độ triển khai theo lộ trình những năm tới.

Nguồn: VnExpress.